Mọi ánh mắt đang dồn về Thủ tướng Modi
Trong bối cảnh thế giới rơi vào bất ổn, Ấn Độ đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành cường quốc có thể "chơi được" với cả phương Tây và Nga.
Khi các nhà lãnh đạo nhóm G20 kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Bali, Indonesia, hôm 16/11, các nước thông qua tuyên bố chung, trong đó có nội dung quan trọng khẳng định "thời đại ngày nay không thể có chiến sự". Đây là thông điệp mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi tới Nga hồi tháng 9.
"Chơi được" với tất cả bên
Sau tuyên bố chung của G20, giới chức cũng như truyền thông Ấn Độ nhanh chóng ca ngợi văn kiện là bằng chứng cho thấy vai trò không thể thiếu của New Delhi kết nối phương Tây và Nga, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên đã đổ vỡ.
Times of India, báo tiếng Anh lớn nhất của Ấn Độ, chạy trên trang nhất dòng tiêu đề "Cách Ấn Độ đoàn kết G20 nhờ ý tưởng hòa bình của Thủ tướng Modi".
"Thông điệp của thủ tướng rằng thời đại ngày nay không dành cho xung đột đã tạo được tiếng vang sâu sắc tới tất cả phái đoàn, giúp kết nối các bên", Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra nói.
Theo Ngoại trưởng Kwatra, thông điệp này bao gồm bảo vệ các nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương Liên Hợp Quốc, chống lại mọi hành vi sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia khác, tuân thủ luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương vốn đã mang lại hòa bình và ổn định thế giới.
Trong bối cảnh Ấn Độ đang khéo léo cân bằng quan hệ với Nga và phương Tây, các nhà phân tích đánh giá Thủ tướng Modi trở thành là nhà lãnh đạo được tất cả bên săn đón, trong khi New Delhi đang nổi lên như một cường quốc trung gian quốc tế.
"Giới lãnh đạo Ấn Độ hiện nay coi New Delhi là quốc gia hùng mạnh có vị thế cao trên trường quốc tế", Sushant Singh, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi, nhận xét.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi cùng chụp hình tại G20. Ảnh: Reuters
Trên một số khía cạnh, tầm vóc của Ấn Độ tại G20 phần nào bị lu mờ bởi cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/11. Cuộc gặp của G20 cũng bị phủ bóng đen bởi hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa vào các thành phố Ukraine.
Truyền thông quốc tế tập trung đưa tin về diễn biến cuộc gặp 3 giờ đồng hồ giữa lãnh đạo Mỹ - Trung và nỗ lực của hai nhà lãnh đạo ngăn một cuộc xung đột nóng nổ ra.
Đến ngày 16/11, lãnh đạo G7 và NATO nhóm họp khẩn cấp tại Bali xung quanh một vụ nổ chưa thể xác định nguyên nhân ở Ba Lan làm 2 người thiệt mạng.
Trong khi đó, Thủ tướng Modi tham gia một loạt các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Những vấn đề mà ông Modi nhắm tới rất đa dạng, từ an ninh lương thực tới môi trường, từ y tế tới chiến tranh kinh tế.
Dù New Delhi tham dự G20 với một "chương trình nghị sự khiêm tốn", chủ yếu xung quanh vấn đề năng lượng, khí hậu và bất ổn kinh tế, các nhà lãnh đạo phương Tây "đang lắng nghe Ấn Độ với tư cách nhân vật chính ở khu vực, bởi Ấn Độ duy trì quan hệ thân thiết với cả phương Tây và Nga", giáo sư Happymon Jacob, chuyên gia Đại học Jawaharlal Nehru, nhận định.
New Delhi và Moscow có quan hệ truyền thống từ thời Chiến tranh Lạnh. Lúc này, Ấn Độ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Kremlin trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự. Nga là nguồn cung cấp vũ khí không thể thiếu, giúp Ấn Độ duy trì sức mạnh quân sự trong bối cảnh nước này có xung đột biên giới với Trung Quốc.
Mặt khác, New Delhi đang xây dựng quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết với phương Tây nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
"Một trong những lý do khiến Ấn Độ có ảnh hưởng tại G20 là Ấn Độ là một trong số ít các nước có thể quan hệ với tất cả bên. Vai trò này giúp Ấn Độ kết nối những bên đối đầu nhau", Harsh Pant, giáo sư Đại học King's College London, nói.
Tiếng nói của quốc gia đang phát triển
Kể từ khi chiến sự bùng phát, dù Ấn Độ liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Ukraine, New Delhi vẫn tránh chỉ trích trực tiếp.
Tuy nhiên, những thông điệp mà Ấn Độ gửi đi ngày một cứng rắn hơn, trong bối cảnh giá lương thực, năng lượng, phân bón tăng chóng mặt, khiến nhiều quốc gia lao đao.
Trong khi hội nghị G20 năm nay bị phủ bóng đen chiến sự, trên cương vị chủ tịch G20 năm 2022, Ấn Độ có thể mang tới chương trình nghị sự riêng.
"Ấn Độ tiếp nhận vai trò chủ tịch G20 trong bối cảnh thế giới dành nhiều sự chú ý cho lạm phát, giá hàng hóa tăng cao, năng lượng tái tạo. Lúc này, có cảm tưởng Ấn Độ là quốc gia then chốt có thể đáp ứng nhu cầu của khu vực Nam Á, thậm chí rộng hơn nữa", giáo sư Jacob nhận xét.
Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin hội đàm hồi tháng 9. Ảnh: CNN
Theo Reuters, phát biểu tại phiên bế mạc G20 hôm 16/11, Thủ tướng Modi nói thế giới đang "vật lộn với xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế, giá thực phẩm và năng lượng leo thang, dư chấn dai dẳng của đại dịch".
"Tôi muốn bảo đảm rằng nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ bao trùm, tham vọng, quyết đoán và hướng vào các hành động cụ thể", ông Modi tuyên bố.
Các chuyên gia nhận xét lập trường của Ấn Độ về hội nghị G20 năm sau có sự tương đồng đáng kể với tiếng nói của các nước đang phát triển.
"Ý tưởng của Thủ tướng Modi là định hướng Ấn Độ trở thành quốc gia có thể ứng phó với các thách thức của thời đại bằng cách phản ánh sự quan ngại về trật tự thế giới đương đại của những quốc gia nghèo nhất", giáo sư Pant từ Đại học King's College London, nói.
Thế giới dõi theo ông Modi
Lúc này, mọi con mắt đang đổ dồn vào Thủ tướng Modi. Ông Modi đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử năm 2024.
Ở trong nước, đường lối chính trị dân túy cổ súy chủ nghĩa dân tộc Hindu của đảng Bharatiya Janata cầm quyền đang khiến Ấn Độ phân cực.
Trong khi Thủ tướng Modi vẫn rất được lòng bộ phận người Hindu chiếm 80% dân số Ấn Độ, chính quyền trung ương New Delhi cũng đang gây tranh cãi vì những chính sách bị cáo buộc là phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số và hạn chế quyền tự do biểu đạt.
Trước sức ép từ chỉ trích nội bộ, bộ máy của ông Modi đang nóng lòng khuếch trương uy tín trên trường quốc tế của thủ tướng, biến ông thành nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trong trật tự thế giới hiện nay.
Thủ tướng Modi đại diện Ấn Độ tại G20. Ảnh: Reuters
"Bharatiya Janata đang sử dụng các cuộc gặp tại G20 làm thông điệp chính trị, rằng ông Modi đang thúc đẩy vị thế Ấn Độ và củng cố quan hệ với các đối tác ngày càng bền chặt", ông Singh, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi, nói.
Đầu tuần này, Ấn Độ và Anh thông báo sẽ triển khai Chương trình Chuyên gia trẻ Anh - Ấn, cho phép 3.000 công dân Ấn Độ có bằng đại học tuổi từ 18-30 sống và làm việc tại Anh trong vòng 2 năm.
Trong khi đó, tài khoản Twitter của thủ tướng Ấn Độ đăng tải hình ảnh ông Modi tay bắt mặt mừng với lãnh đạo các đối tác phương Tây.
"Tầm ảnh hưởng trong nước của Modi hiện rất lớn. Tôi nghĩ vị thế quốc tế của ông ấy đến từ ảnh hưởng trong nước. Chừng nào còn được cử tri tín nhiệm, các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục ưu ái ông ấy", giáo sư Singh nhận định.