Luật Đất đai (sửa đổi): Giảm "ách tắc" thị trường bất động sản
Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường bất động sản.
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua giải quyết những vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản. |
Cùng với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 6, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường bất động sản.
Tác động tới thị trường
Trong báo cáo cập nhật ngày 24/1, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực đến nguồn cung bất động sản dân dụng trong trung hạn, dài hạn nhờ giải quyết vướng mắc trong vấn đề định giá đất, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với giá thị trường.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt áp lực vốn thông qua các phương án trả tiền thuê đất hàng năm thay vì một lần như trước đây.
Ông Đinh Minh Tuấn, giám đốc một đơn vị bất động sản khu vực miền Nam nhận định, Luật Đất đai có hiệu lực sẽ có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Thứ nhất, giá đất sẽ tăng một cách bền vững bởi Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy việc định giá đất sát với mặt bằng giá của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cụ thể, theo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi đền bù cho các đối tượng có đất nằm trong diện thu hồi.
Ngoài ra, dự luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất…
Tất cả những quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng giá các loại đất từ đất nông nghiệp, đất phi thương mại... từ đó gia tăng giá bất động sản nói chung.
Thứ hai, nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện. Một trong những lý do khiến nhiều dự án bị trì hoãn kéo dài là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng do đền bù không thỏa đáng. Cơ chế định giá theo thực tế thị trường sẽ hỗ trợ quỹ đất được triển khai nhanh hơn.
Nếu như trước đây việc tiếp cận đất đai không được quy định rõ ràng, thì hiện đã có các quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi), xác định loại đất nào sử dụng cho thương mại, loại đất phục vụ nhu cầu nào thì phải qua đấu thầu, đấu giá. Khi các chủ đầu tư có phương thức, quy định rõ ràng hơn để tiếp cận quỹ đất, nguồn cung ra thị trường sẽ không còn khan hiếm như hiện tại.
Luật cũng có các quy định nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận đất cho nhiều người dân hơn, bảo vệ đầy đủ hơn quyền lợi của họ, bao gồm việc mở rộng phạm vi quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam, kể cả những người định cư, sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, triển khai quy hoạch sử dụng đất; thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp - ví dụ nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, tự động gia hạn đối với đất nông nghiệp.
Người Việt ở nước ngoài có cơ hội mua nhà
Một trong những nội dung được nhiều người chú ý là những thay đổi liên quan đến quyền của người sử dụng đất.
Quyền của người sử dụng đất cơ bản được giữ chính sách như pháp luật về đất đai hiện hành. Luật Đất đai sửa đổi quy định sửa đổi, bổ sung, mở rộng thêm quyền cho người sử dụng đất, trong đó có đối tượng là người gốc Việt Nam.
Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoàn thiện theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối ở nước ngoài vào trong nước.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Như vậy có thể hiểu đơn giản, con cháu của người từng có quốc tịch Việt Nam tại nước ngoài dù không có quốc tịch Việt Nam vẫn có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước.
Vì mở rộng đối tượng có quyền sử dụng đất nên luật cũng mở rộng các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trên cơ sở kế thừa các đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất tại Điều 55, Luật Đất đai 2013, Điều 119 của Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung một số đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Trong đó, có 2 trường hợp liên quan đến người gốc Việt Nam gồm: Thứ nhất, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở; sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Thứ hai, hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất do được bồi thường bằng đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai sửa đổi.
Luật cũng quy định UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.