TP. Hồ Chí Minh: Bùng nổ bán hàng livestream, quản lý thế nào để bảo vệ người tiêu dùng?
Trái ngược với kênh mua sắm truyền thống, hoạt động bán hàng online, nhất là qua livestream thời điểm này đang bùng nổ ở cả khâu bán lẫn khâu chốt đơn.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, kể từ đầu tháng 1/2024 tới nay, hoạt động mua bán trên các kênh thương mại điện tử diễn ra rất sôi động. Đặc biệt, nếu như các năm trước việc bán hàng livestream không được chú trọng thì năm nay các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, thậm chí là các tiểu thương kinh doanh ở những chợ truyền thống trên địa bàn đã chú ý nhiều hơn tới hình thức này.
Các doanh nghiệp ngày một quan tâm đẩy mạnh thực hiện livestream bán hàng |
Điển hình là ngày 19/1, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Ngày hội mua sắm, giải trí Tết TP. Hồ Chí Minh 2024”, cùng sự đồng hành của TikTok Việt Nam. Điểm nhấn của sự kiện có sự tham gia của các nhãn hàng, hơn 100 doanh nghiệp cùng với hơn 300 nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) và hàng trăm sinh viên từ các trường đại học. Nhìn chung, các phiên livestream bán hàng Tết diễn ra trên TikTok chủ yếu giới thiệu các sản phẩm, thời trang, mỹ phẩm, quà Tết… và tất cả những phiên này đều thu hút rất đông người tiêu dùng xem, chốt đơn.
Việc tổ chức các hoạt động bán hàng online kể trên ngoài mặt tích cực là tạo “làn sóng” mua bán mới mẻ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp - tiểu thương và người tiêu dùng, phần nào xua tan không khí ảm đạm về thương mại, hàng hóa và bán lẻ mùa tết, giúp kích thích tổng cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì việc bán hàng online bùng nổ cũng trong thời điểm này cũng tạo cơ hội để các đối tượng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trục lợi. Và thực tế năm nào cũng vậy, thời điểm cuối năm nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao thì hoạt động kinh doanh hàng giả, kém chất lượng lại càng phức tạp. Bởi lẽ, với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế khó khăn nên hàng gian, hàng giả hoành hành càng có đất sống, nhất là trên môi trường mạng như hiện nay.
“Hầu hết các đối tượng bán hàng thực hiện livestream tại một góc nhỏ của một nơi nào đó nhưng trong nội dung livestream không có cung cấp các thông tin về địa chỉ nơi thực hiện livestream, nơi bán hàng, địa chỉ của chủ kinh doanh mà chỉ giới thiệu về hàng hóa và phương thức giao dịch mua bán qua điện thoại, nhận thông qua các dịch vụ giao nhận”- ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, việc kiểm tra, kiểm soát hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng còn nhiều khó khăn bởi lực lượng Quản lý thị trường không có cơ sở dữ liệu, công nghệ và hành lang pháp lý để xác định được lý lịch của đối tượng bán hàng bằng hình thức livestream...
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở sản xuất |
Nói như vậy không có nghĩa là không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát và theo ông Nguyễn Quang Huy, kinh doanh bằng hình thức livestream bán hàng mục đích cuối cùng vẫn là để bán được hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Mà muốn bán được hàng hóa thì phải có hàng hóa được sản xuất, chứa trữ để kinh doanh. Vì thế trong thực tế, việc tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm trên thị trường truyền thống cũng chính là đã kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm kinh doanh bằng hình thức livestream bán hàng.
“Hoạt động kinh doanh trên thị trường truyền thống và bằng hình thức livestream bán hàng không phải là 2 hình thức kinh doanh độc lập, tách biệt mà nó đan xen, bổ sung, hỗ trợ nhau”- ông Huy cho biết và khuyến cáo: Khi mua hàng livestream người mua cần yêu cầu đối tượng kinh doanh này cung cấp rõ thông tin, bằng chứng về chủ kinh doanh là ai, địa chỉ kinh doanh đang ở đâu, nguồn gốc hàng hóa như thế nào và mua bán có giấy tờ gì để chứng minh có giao dịch hay không để không bị lừa gạt, mua phải hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Trường hợp nếu bị lừa gạt, mua phải hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… thì cũng có căn cứ đề đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, khi người dân tham gia mua sắm các mặt hàng Tết, vô tình phát hiện các mặt hàng giả, hàng nhái và không đảm bảo chất lượng có thể gửi phản ánh đến Cục Quản lý thị trường Thành phố, địa chỉ tại số 242 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3 để xử lý và được giữ bí mật theo quy định; khi có kết quả giải quyết, Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ thông tin lại cho bà con được biết để tiếp tục giám sát. Hoặc người dân có thể: Gọi đến đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường Thành phố là số 028.39321014; gọi đến đường dây nóng của Cơ quan Thường trực 389 Thành phố là số 028.39322491; gọi qua đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường là số 1900.888.655; hoặc có thể gửi email đến [email protected] và [email protected]. |