A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia, giảng viên, sinh viên ngành Y nói gì về xét tuyển Y khoa bằng điểm Văn?

Sau khi 4 trường đại học đưa tổ hợp có môn Văn vào xét tuyển ngành Y, một số chuyên gia, giảng viên và sinh viên ngành Y cho rằng việc dùng điểm Văn là không hợp lý.

"Không thể nói có môn Văn thì nhân văn hơn"

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, một số trường nếu chỉ tuyển sinh bằng các tổ hợp truyền thống như Toán - Hóa - Sinh hay Toán - Lý - Hóa thì sẽ không thể cạnh tranh được với các trường Y Dược lớn, vì vậy, để thu hút thí sinh, các trường này đã đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa.

Tuy nhiên, theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa là không hợp lý bởi vấn đề này liên quan đến câu chuyện về giao tiếp. Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, kỹ năng mềm này là cần thiết tuy nhiên không phải là yếu tố để so với vấn đề về tuyển sinh. "Không thể nói có môn Văn thì nhân văn hơn vì những người học Toán, Lý, Hóa, Sinh tốt, tri thức cao thì vẫn có thể đào tạo giao tiếp tốt, chứ đâu cần gì môn Văn".

Là một sinh viên năm cuối đang chuẩn bị thi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, Trịnh Phước Đạt cho biết khá bất ngờ khi đọc được thông tin về việc một số trường xét tuyển ngành Y khoa ngoài tổ hợp B00 truyền thống lại dùng các tổ hợp không bao gồm môn Hóa, Sinh mà thay bằng môn Văn.

Theo sinh viên năm cuối ngành Y, môn Văn luôn hiện hữu trong mọi mặt của cuộc sống, bất cứ ai cũng cần dùng đến để diễn đạt suy nghĩ, kết nối bản thân với thế giới xung quanh. Học Văn tốt sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn, giúp bác sĩ dễ đồng cảm với bệnh nhân hơn trong việc lắng nghe và chia sẻ.

Chuyên gia, giảng viên, sinh viên ngành Y nói gì về xét tuyển Y khoa bằng điểm Văn? - Ảnh 2.

Phước Đạt và các bạn sinh viên Trường đại học Y Hà Nội trong một buổi thực tập tiền lâm sàng.

"Tuy nhiên, nếu dùng Văn để làm tiêu chí chính để đánh giá và xét tuyển vào ngành Y thì em thấy có phần phiến diện. Bởi giao tiếp là một kỹ năng, dựa trên nền tảng các kiến thức từ văn học, tâm lý học, đến văn hóa, xã hội học,... và qua thực tiễn, hoạt động. Lẽ nào một bác sĩ không giỏi Văn thì sẽ khó đồng cảm và không có lòng thương yêu con người".

Phước Đạt cho rằng liên quan đến lĩnh vực đào tạo khối ngành Sức khỏe thì kiến thức về Sinh học và Hóa học là vô cùng quan trọng. Tuyển sinh không có môn Sinh hay môn Hóa sẽ khó để đánh giá chính xác năng lực cần có của bác sĩ tương lai. Hơn nữa, theo Đạt, nếu thí sinh không có kiến thức tốt về Sinh học và Hóa học sẽ gặp nhiều khó khăn khi học ngành Y.

"Bất kỳ một môn học nào đều có giá trị và ý nghĩa cho một bác sĩ. Tuy nhiên, nếu muốn đa dạng tổ hợp xét tuyển, các trường có thể thêm những tổ hợp mới để phù hợp với đánh giá năng lực của thí sinh theo đuổi ngành Y hơn như Lý - Hóa - Sinh hay Sinh - Hóa - Anh mà không phải là tổ hợp có môn Văn".

Cần có một bài kiểm tra năng lực đầu vào cho các ứng viên khối ngành Sức khỏe

Với kinh nghiệm 10 năm công tác của một bác sĩ, một giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, TS.BS. Vũ Quốc Đạt (giảng viên bộ môn Truyền nhiễm Trường đại học Y Hà Nội kiêm Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, gần như tất cả trường Y của các nước phát triển đều có một bài kiểm tra đầu vào nhằm đánh giá kiến thức khoa học và khả năng áp dụng, đánh giá năng lực tâm thần và hành vi có liên quan đến nghề nghiệp, khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề về mặt số học, khả năng ra quyết định, đánh giá tình huống, cũng như khả năng lập luận trên góc độ khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên.

Bài kiểm tra đó nhằm giúp trường đại học lựa chọn được những sinh viên tốt nhất và sinh viên lựa chọn được trường phù hợp nhất với năng lực của mình. Đó chính là bài kiểm tra năng lực. Trong khi chưa thể thực hiện được bài kiểm tra năng lực đầu vào, nhiều trường có thể quyết định việc tuyển sinh dựa trên những tiêu chí của riêng họ với mục đích phân loại được thí sinh.

Theo TS.BS. Vũ Quốc Đạt, hiện nay ở Việt Nam, do việc xét tuyển vào các trường đại học chủ yếu dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, trong khi các trường khối ngành Sức khỏe giàu truyền thống thường là nhóm có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất, dẫn đến việc phân loại thí sinh rất khó khăn nên các trường có thể đặt thêm các tiêu chí phụ khác, bao gồm cả năng lực ngoại ngữ. Ở một khía cạnh khác, đối với các trường mới mở mã ngành Sức khỏe, do sức hút thấp nên họ có thể mở rộng thêm các tổ hợp xét tuyển khác nhằm mục tiêu thu hút đủ số lượng thí sinh nhập học.

"Mọi người thường nghĩ rằng việc tuyển sinh đầu vào dễ dãi có thể dẫn đến chất lượng đào tạo thấp và ảnh hưởng đến hệ thống y tế và trực tiếp là sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trên quan điểm về chất lượng đào tạo, điều kiện nhập học chỉ là một vấn đề ban đầu vì từng cơ sở giáo dục sẽ phải đảm bảo chất lượng đầu ra theo đúng các chuẩn năng lực quốc gia.

Đứng về góc độ của cá nhân và gia đình của thí sinh, việc lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp với năng lực, dẫn đến các em bỏ học giữa chừng hoặc không hành nghề được đào tạo, sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn về tiền bạc cũng như thời gian vì đào tạo y khoa có quá trình học dài nhất và tốn kém nhất.

Do đó, việc tuyển sinh đầu vào phù hợp cũng là trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội và đối với chính thí sinh ứng tuyển", giảng viên Trường đại học Y Hà Nội nêu quan điểm.

Để ngừng tranh cãi về việc tuyển sinh đầu vào nên là Toán, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ hay Giáo dục thể chất, theo TS.BS. Vũ Quốc Đạt, Việt Nam sẽ cần có một bài kiểm tra năng lực đầu vào cho các ứng viên khối ngành Sức khỏe, đảm bảo kiểm định chương trình trong quá trình đào tạo và hoàn thiện chuẩn năng lực đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kinh tế cũng như giá trị của chương trình Y khoa.

4 trường đại học dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y

Trong số hơn 20 trường đại học có đào tạo ngành Y khoa của cả nước thì năm nay, theo thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023, có 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển bao gồm: Trường ĐH Văn Lang (TP. HCM), Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường ĐH Tân Tạo (Long An) và Trường ĐH Duy Tân.

Trường ĐH Văn Lang (TP. HCM) tuyển sinh ngành Y khoa bằng các phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp, dựa vào học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. HCM. Với cách xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ, trường sử dụng 4 tổ hợp, trong đó có tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh). Ngoài ra, trường xét tuyển các tổ hợp truyền thống, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D08 (Toán, Sinh, Anh).

Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) để tuyển ngành Y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Các tổ hợp khác là B00, D08 và A02 (Toán, Lý, Sinh).

Trường ĐH Duy Tân xét tuyển ngành Y khoa bằng 4 tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn), B00 (Toán, Hoá, Sinh), D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ) ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...