A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đây là một trong những yêu cầu được Quốc hội nhấn mạnh tại Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Tại Nghị quyết này, Quốc hội cũng nhấn mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn và tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong từng quyết sách được ban hành.

Tạo nền tảng cho sự phát triển trong cả giai đoạn 2021 - 2025

Trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, cùng với việc thông qua 3 nghị quyết và 1 luật sửa đổi, bổ sung của 9 luật nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn phát triển của đất nước tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về kỳ họp đặc biệt này, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Quốc hội chỉ rõ nhiệm vụ cần tập trung thực hiện gồm: tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, nhất là các nghị quyết 5 năm, hằng năm về phát triển kinh tế - xã hội cùng với việc khẩn trương tổ chức thực hiện nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự gắn kết tổng thể, thống nhất, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn và tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo; lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong từng quyết sách được ban hành.

Sau khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, phải triển khai thực hiện với các giải pháp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các thứ tự ưu tiên, cơ chế đặc thù, phân nhóm nội dung cụ thể, có sự tiếp nối, kế thừa, có sức lan tỏa, dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá, trong đó, tập trung các giải pháp về: hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước.

 Cá thể hóa trách nhiệm thực hiện chính sách phục hồi, phát triển kinh tế

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Chính phủ cũng đã có báo cáo bổ sung gửi đại biểu Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron; những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 Tuy không dành thời gian thảo luận riêng về các báo cáo này, song qua xem xét, Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực, chung sức, đồng lòng, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai những biện pháp, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác phòng, chống dịch vẫn còn những hạn chế nhất định, đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự báo trong thời gian tới dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới, biến thể khác, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh, trên diện rộng trong cộng đồng, tạo ra những thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế, tác động đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đã được quyết định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 42/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị quyết khác có liên quan. Tập trung nghiên cứu, rà soát, kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch.

Khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023) nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân trong trạng thái bình thường mới; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa nguồn lực phòng, chống dịch, có các biện pháp thích hợp vào từng thời điểm, huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19.

Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có); xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.

Để bảo đảm các quyết đáp của Quốc hội, đặc biệt là các quyết đáp tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chú trọng hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đồng thời, giao Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán định kỳ và khi kết thúc chương trình, dự án đối với việc huy động, sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh; đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp và kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...