A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ sinh Xây dựng tái hiện không gian văn hóa làng nghề Thăng Long

Với đồ án “Thập Tam Trại - Không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội” Vi Thị Nguyệt (sinh viên ngành Kiến trúc & Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng) đã mang đến góc nhìn đương đại về làng nghề truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa. Với đồ án này, Nguyệt đã giành giải Nhất giải thưởng Loa thành năm 2021.

Lấy cảm hứng từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ nhiều làng nghề truyền thống của kinh thành Thăng Long, Nguyệt không tập trung phục dựng lại những hình thức hoạt động trong quá khứ mà muốn truyền tải tinh thần xưa qua không gian đương đại.

Đồ án được các chuyên gia đánh giá: “Nhìn từ tổng thể đến chi tiết, đồ án có được sự sáng tạo và đạt hiệu quả từ việc lựa chọn đề tài, đến đề xuất ý tưởng và sử dụng kiến trúc trong vai trò một nghệ thuật sắp đặt không gian”.

Vi Thị Nguyệt
Vi Thị Nguyệt

Giải thích về cái tên “Thập Tam Trại”, Nguyệt cho biết, đã từng có một Thập Tam Trại trong lịch sử. Đây là tên gọi chung chỉ một quần thể các làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Thập Tam Trại được biết đến từ thời vua Lý Nhân Tông, với truyền thuyết dựng làng Vĩnh Phúc của một dũng sĩ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật. Các thôn trại này đóng vai trò cung cấp nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long.

“Hà Nội là đất trăm nghề lưu danh bao huyền thoại…Tuy nhiên, thực trạng các làng nghề ở Hà Nội thời nay bị làn gió của đô thị hoá làm lung lay các giá trị văn hoá truyền thống. Sự xa rời truyền thống sẽ làm mai một bản sắc văn hoá và đánh mất tự tôn dân tộc. Vì vậy, mình muốn làm điều gì đó để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”, Nguyệt chia sẻ.

Đồ án của Nguyệt tập trung, tái hiện lịch sử của Thăng Long thành với hình tượng Thập Tam Trại qua việc tạo dựng những không gian dịch vụ phục vụ cho nhu cầu trải nghiệm của khách tham quan; Cung cấp dịch vụ thương mại các sản phẩm thủ công.

Vi Thị Nguyệt xuất sắc giành giải Nhất giải thưởng Loa thành năm 2021
Vi Thị Nguyệt xuất sắc giành giải Nhất giải thưởng Loa thành năm 2021

Bên cạnh đó là không gian triển lãm phục dựng tái hiện hình ảnh Hà Nội xưa 36 phố phường với phố nghề từ trang trí cửa hiệu đến những sản phẩm đặc trưng, giới thiệu về vị trí cũng như lịch sử từng phố nghề, làng nghề.

Điểm đặc biệt của đồ án chính là Nguyệt không bê nguyên quá khứ đặt vào thực tại. Cô gái trẻ chắt lọc những chất liệu dân gian, lựa chọn nhiều chi tiết, họa tiết, hình ảnh rồi sắp xếp, phối trộn chúng tạo ra những hình thái kiến trúc có giá trị thẩm mỹ mới, giúp người trẻ có cái nhìn sâu sắc về sinh nghề của cha ông ta.

Theo Nguyệt, không gian trải nghiệm làng nghề là một hình thức tiếp cận mới, vừa mang giá trị văn hóa lịch sử, vừa mang lại giá trị kinh tế đồng thời quảng bá những nét đẹp văn hóa với bạn bè quốc tế. Không gian trải nghiệm 13 nhóm làng nghề truyền thống Hà Nội trong Thập Tam Trại sẽ trở thành một khu vực cầu nối giúp nhiều người quan tâm và yêu thích những sản phẩm thủ công truyền thống này.

Cô gái trẻ mong muốn làm việc trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế đô thị
Cô gái trẻ mong muốn làm việc trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế đô thị

“Việc đưa những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc vào các sản phẩm đang được định hình như một xu hướng. Điều này khác xa với định kiến của nhiều người khi cho rằng truyền thống là những gì thuộc về xưa cũ và không phù hợp với các yếu tố hiện đại. Đặc biệt, qua đồ án mình cũng muốn khẳng định người trẻ hiện nay rất yêu và có ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống ông cha để lại”, Nguyệt tâm sự.

Vừa độc đáo vừa có tính ứng dụng cao nên đồ án tốt nghiệp ngành Kiến trúc và Quy hoạch của Vi Thị Nguyệt đã xuất sắc giành giải Nhất giải thưởng Loa thành năm 2021.

Từ khi còn nhỏ, Nguyệt đã rất thích vẽ và luôn ước trở thành sinh viên ngành Kiến trúc. Đó là lý do cô gái trẻ "đầu quân" vào khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng. Ngoài học tập, Nguyệt tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các cuộc thi về kiến trúc để có thêm kiến thức thực tế, đồng thời rèn luyện kỹ năng.

Mong muốn của Nguyệt là làm việc trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế đô thị. Vì vậy, ngoài tích cực cộng tác cho các công ty, cô gái trẻ vừa tìm kiếm học bổng du học. “Mình hy vọng với những kiến thức được học mình sẽ đóng góp tích cực vào phát triển Thủ đô nói riêng, đô thị Việt Nam nói chung”, Nguyệt cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...