Triều Tiên có nguy cơ thành tâm điểm của biến chủng mới
Thông tin về đợt bùng dịch đầu tiên của Triều Tiên chưa thực sự rõ ràng, câu hỏi về việc liệu Bình Nhưỡng có kêu gọi hỗ trợ hay không vẫn chưa có lời khẳng định.
Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Triều Tiên khi Bình Nhưỡng ngày 12/5 lần đầu thừa nhận một đợt bùng phát Covid-19.
Truyền thông nhà nước thông tin "những người bị sốt" tại một tổ chức ở thủ đô Bình Nhưỡng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron, nhưng không nói rõ có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh, tổ chức gì, hay nguồn lây từ đâu.
Đất nước được đặt vào tình trạng "khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng" và phong tỏa toàn quốc.
Những tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng, cùng với thông tin khan hiếm, thậm chí mơ hồ bên trong Triều Tiên, đang làm dậy sóng các suy đoán cũng như dự đoán của nhiều chuyên gia, từ nguồn gốc đợt bùng phát, tình hình sắp tới, đến các bước đi tiếp theo của nước này.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của hành khách đi xe buýt, Wonsan, tỉnh Kangwon, ngày 29/10/2020. Ảnh: AFP
Dịch bùng phát từ đâu?
Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020 sau khi loại virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán. Các biện pháp nghiêm ngặt đã được áp đặt, bao gồm phong tỏa biên giới, thắt chặt hạn chế đối với việc di chuyển trong nước, trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng vẫn có kẽ hở cho virus xâm nhập vào nước này.
Họ nghi ngờ virus có thể đến từ một người vượt biên trái phép từ Trung Quốc hoặc qua động vật bị nhiễm bệnh, như chim hoặc lợn rừng, qua biên giới một cách tự do.
Triều Tiên và Trung Quốc đã đình chỉ thương mại đường sắt vào tháng 4 năm nay do lo ngại của Bình Nhưỡng về việc lây nhiễm dịch bệnh, nhưng các chuyến hàng vận chuyển đường biển vẫn tiếp tục.
Chuyên trang NK News có trụ sở tại Seoul viết: "Các thủy thủ Triều Tiên có thể bị nhiễm bệnh khi tương tác với thủy thủ đoàn khác, cuối cùng truyền virus cho nhân viên cảng".
Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng virus có thể đã lây lan khắp đất nước khi Triều Tiên tổ chức các ngày lễ lớn vào tháng 4 với nhiều sự kiện lớn ở Bình Nhưỡng, bao gồm một cuộc diễu hành quân sự mà cả người tham gia và khán giả đều không đeo khẩu trang.
"Mọi người từ khắp nơi trên đất nước đã tham dự những sự kiện này và có thể đã mang virus trở lại", Park Won Gon, giáo sư tại Đại học Ewha, nói với AFP.
Triều Tiên nhìn nhận đợt bùng dịch này ra sao?
Việc Triều Tiên tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị do ông Kim đích thân giám sát, cùng với việc truyền thông nhà nước đưa tin ngay lập tức, cho thấy họ đang nhìn nhận đợt bùng phát này là nghiêm trọng.
Phương tiện truyền thông nhà nước thường đưa tin về các sự kiện một ngày sau đó.
Yang Moon Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, đánh giá hành động của Bình Nhưỡng cho thấy tình hình "rất cấp bách".
Phun thuốc khử trùng tại một cửa hàng bách hóa ở Bình Nhưỡng, ngày 18/3. Ảnh: AFP
Bình Nhưỡng có thể làm gì tiếp theo?
Go Myong Hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan dự đoán "Triều Tiên có thể sẽ làm điều tương tự Trung Quốc: Các biện pháp chống dịch mạnh hơn, giãn xã hội cứng rắn hơn, và phong tỏa chặt chẽ hơn".
Tuy nhiên, đánh giá về những biện pháp được mô tả trên phương tiện truyền thông nhà nước và tuyên bố của ông Kim rằng cần đạt được các mục tiêu kinh tế, nhà phân tích Cheong Seong Chang tại Viện Sejong của Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể sẽ không ép buộc người dân phải ở nhà. Thay vào đó, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế đi lại và cung ứng giữa các khu vực để làm chậm sự lây lan của virus.
Theo Washington Post, các chuyên gia cảnh báo rằng Triều Tiên có nguy cơ trở thành tâm điểm của các biến chủng mới do sự miễn dịch thấp của người dân với virus.
Kee Park, chuyên gia y tế toàn cầu tại Trường Y Harvard, từng làm việc trong các dự án chăm sóc sức khỏe ở Triều Tiên, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp nước này ứng phó với đợt bùng dịch, bao gồm cung cấp vaccine mRNA và phương pháp điều trị.
"Họ sẽ cần phải xem xét lại biện pháp bổ sung để bảo vệ người dân, bao gồm chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Mọi người đều quan tâm đến việc giúp Triều Tiên ứng phó với đại dịch. Không ai muốn một biến chủng khác", ông Park nói.
Triều Tiên đối mặt với điều gì?
Lim Eul Chul, giáo sư tại Đại học Kyungnam, dự đoán đất nước "có thể chứng kiến nhiều ca tử vong".
Cùng áp dụng chính sách hạn chế nghiêm ngặt, nhưng không giống Trung Quốc, Triều Tiên chưa tiêm phòng cho bất kỳ công dân nào, và thiếu năng lực để tiến hành xét nghiệm hàng loạt Covid-19. Nước này cũng có rất ít khả năng điều trị cho người bệnh nặng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của về phản ứng trước đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở nước này, ngày 12/5. Ảnh: KCNA
Liệu Triều Tiên có kêu gọi giúp đỡ không?
Bình Nhưỡng trước đây đã nhiều lần từ chối đề nghị hỗ trợ trong đại dịch và vaccine từ các nhóm cứu trợ, Tổ chức Y tế Thế giới và thậm chí cả nhà hảo tâm chính là Trung Quốc.
Kim Sin Gon, giáo sư tại Đại học Y khoa Seoul Hàn Quốc, tin rằng việc nước này tuyên bố tình trạng "khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng" là tín hiệu rằng sẵn sàng nhận viện trợ vaccine, nhưng họ có thể cần nhiều hơn số lượng mà COVAX có thể cung cấp. Ông suy đoán Triều Tiên cũng muốn có thuốc điều trị Covid-19 cũng như thiết bị y tế bị cấm do các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Kim không chắc sẽ yêu cầu giúp đỡ lúc này.
Làm như vậy sẽ là "thừa nhận sự thất bại của hệ thống chống dịch khẩn cấp được áp dụng cho đến nay và sẽ tác động đáng kể đến sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un", ông Lim nhìn nhận.
Go Myong Hyun, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, đồng ý.
"Tôi nghĩ lý do chính khiến nước này chính thức thừa nhận sự tồn tại của Covid-19 trong nước là vì những ca nhiễm này ở Bình Nhưỡng. Chính quyền nước này dường như hiểu rằng sớm muộn gì thế giới cũng sẽ phát hiện ra điều này. Động thái của Bình Nhưỡng dường như là để nắm quyền kiểm soát tình hình, hơn là để kêu cứu", ông Go nói.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ ra sao?
Triều Tiên chi một phần đáng kể GDP cho chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng.
Theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc, việc đóng cửa biên giới vì đại dịch càng làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế của nước này, dẫn đến sự suy thoái kinh tế lớn nhất trong hơn hai thập kỷ vào năm 2020.
Ông Kim đã nhiều lần cam kết giải quyết "vấn đề lương thực, quần áo và nhà ở cho người dân", nhưng vẫn thúc đẩy các vụ thử tên lửa.
Ngay trong chiều 12/5 - ngày Triều Tiên tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng" khi lần đầu tiên báo cáo một đợt bùng phát Covid-19, nước này đã phóng tên lửa đạn đạo không xác định hướng đến Biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng thứ 16 trong năm nay.
Đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim có thể không dừng việc phát triển và thử vũ khí.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha, nêu suy nghĩ: "Khi mối đe dọa khẩn cấp liên quan đến virus lớn hơn mối lo về một quân đội nước ngoài nào đó, người dân trong nước có thể ít quan tâm đến các vụ thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa hơn".
Tuy nhiên, giáo sư Yang cho rằng nếu nỗi lo sợ của dân chúng về Covid-19 lan rộng, ông Kim có thể tiếp tục thử vũ khí hạt nhân "để chuyển hướng nỗi sợ này", tức khiến cho người dân tập trung vào một mối nguy về quốc phòng và quên đi nỗi sợ về Covid-19.