Bác sĩ chuyên khoa nói gì trước tin đồn lan truyền về "dịch nôn, tiêu chảy chưa rõ nguyên nhân"?
Trước tình trạng gần đây có nhiều trẻ nhập viện do sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy gây lo lắng. Các bác sĩ nhi khoa đưa ra những lời khuyên bổ ích.
Hoang mang sợ hãi trước tin đồn
Trong những ngày gần đây, trên một số diễn đàn chăm sóc con cái và trang cá nhân, nhiều phụ huynh lo lắng khi con em mình có hiện tượng nôn, có thể kèm sốt và tiêu chảy. Do lo sợ trẻ mắc bệnh lạ về "dịch nôn chưa rõ tác nhân gây bệnh" như tin trên mạng đang lan truyền, nhiều người đã đưa con từ xa lên Hà Nội để khám tại bệnh viện tuyến trung ương. Một số trẻ do phải di chuyển quãng đường xa, không được xử trí đúng và kịp thời nên rơi vào tình trạng mất nước trầm trọng, nhiều trẻ mệt lả.
Trên một trang cá nhân đưa nội dung mang tính cảnh báo có tới hơn 2.800 lượt chia sẻ, trong đó đa số bình luận bày tỏ lo lắng:" Đang có dịch trẻ nôn rất nhiều kèm có thể tiêu chảy hoặc không! Đa phần siêu âm bụng phản ảnh tình trạng rối loạn tiêu hóa! Thường trẻ nôn trong khoảng 8-12h sau giảm và hết. Tác nhân vẫn là ẩn số! P/S: siêu âm bụng và bù nước."
Không ít người chỉ đọc lướt nội dung mà chỉ tập trung vào nội dung "Tác nhân vẫn là ẩn số", nhiều bình luận trong số khoảng 4000 bình luận tỏ ra lo lắng và kể chuyện hàng xóm nhà em có con cũng bị hoặc nhiều nơi bị quá... hoặc tag người nhà, người quen vào để "cảnh báo".
Liên quan đến thông tin này, bác sĩ chuyên khoa Nhi, Đỗ Xuân Hưng ở Hưng Yên cho biết, hiện nay có rất nhiều bà mẹ, nhất là các bà mẹ trẻ chia sẻ về "dịch nôn" nhưng thực tế không ghi nhận dịch nôn nào cả. Theo ThS.BS Đỗ Xuân Hưng, những trẻ nôn nhiều nếu được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột cấp thì cha mẹ không nên căng thẳng quá mức. Khi mẹ cho con đi khám được chẩn đoán, có gọi là : viêm dạ dày ruột cấp, cúm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp virus… phải hiểu bản chất đó là 1 chứng viêm ruột do virus, ví dụ như Rota hay Adeno.
Đặc trưng của viêm ruột do virus là nôn ói trước, tiêu lỏng sau (một số trẻ không tiêu chảy ). Bệnh chỉ điều trị 5-7 ngày, đồng thời cho trẻ bù nước oresol , thêm men vi sinh và kẽm. Lưu ý, khi bé đột ngột nôn ói nhiều thì nguy hiểm nhất là bệnh lồng ruột nhưng nếu qua siêu âm chẩn đoán không thấy dấu hiệu thì có thể yên tâm.
Chính sự lan truyền tin đồn rộng rãi trên mạng xã hội đã gây tâm lý hoang mang bất ổn với cả những bậc cha mẹ mà con vẫn khỏe.
Trên nhiều trang cá nhân, các bác sĩ cũng phản ánh tình trạng nhiều trẻ đến viện để khám do nôn, tiêu chảy. Các bác sĩ đều đưa ra những hướng dẫn xử trí ban đầu đơn giản nhưng kịp thời để trẻ không rơi vào tình trạng nguy kịch do mất nước, rối loạn điện giải.
Cha mẹ không nên hoang mang, lo lắng
Theo ThS. BS Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, trong các trường hợp trẻ nhập viện gần đây chủ yếu có biểu hiện nôn là chính, một số trẻ có xuất hiện đau bụng kèm theo sốt.
Đối với những trường hợp này khi nhập viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận và chủ yếu chỉ định điều trị triệu chứng là chính như: truyền dịch, bù nước và điện giải, khoảng 1-2 ngày trẻ sẽ ổn và có thể xuất viện.
Các bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định các bệnh lý liên quan do virus. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng không quá nặng, chỉ ở mức độ có nôn, một số trường hợp đau bụng kèm theo sốt hoặc tiêu chảy… Do vậy khi được điều trị, trẻ thường đáp ứng nhanh và 1-2 ngày là có thể xuất viện.
Về chăm sóc và dinh dưỡng, trong khi trẻ có các biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ nên theo dõi điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Quan trọng nhất là bù nước và điện giải. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định liều lượng và cân nặng; cho trẻ uống nhiều nước; uống oresol pha theo hướng dẫn.
ThS. BS Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E
Bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên hoang mang, lo lắng vì hiện tại những trường hợp trẻ nhập viện chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa. Các biểu hiện khác của tổn thương gan cũng được các bác sĩ chú ý cho xét nghiệm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này cũng chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện tại BV E có tổn thương viêm gan.
Về chế độ ăn uống nên duy trì cho trẻ chế độ ăn bình thường như hằng ngày để cung cấp đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp trẻ nôn, tiêu chảy nhiều nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như: cháo, súp,… Thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, nên cho trẻ dùng riêng bát đũa là tốt nhất.
Với dịch virus gây ra viêm gan hay tổn thương đường tiêu hóa đã được Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo xuất hiện ở một số nước. Tuy nhiên đến nay chưa gặp tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng chưa công bố trường hợp nào liên quan đến các bệnh lý về virus gây tổn thương gan như báo chí đã nêu. Vì vậy, ThS. BS Trương Văn Quý khuyên các bậc cha mẹ nên bình tĩnh, nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt, nôn hay tiêu chảy nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách.