Chính quyền hành động, thực sự vì dân
Chính quyền địa phương 2 cấp ở thành phố Hà Nội chính thức hoạt động từ ngày 1-7 đến nay đã khẳng định tính ưu việt và hiệu quả trong phục vụ người dân,...
Cùng với khối lượng công việc lớn trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy được hoàn thành, Hà Nội tiếp tục cho thấy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra công tác vận hành chính quyền tại phường Dương Nội. Ảnh: Quang Thái
1. Trước hết, phải khẳng định việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là bước đi chiến lược có ý nghĩa to lớn cả về mặt chính trị, tổ chức và thực tiễn. Sự thay đổi sâu rộng này là cuộc cách mạng về tư duy trong quản lý nhà nước, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội.
Thực tế hoạt động từ ngày 1-7 đến nay cho thấy, chính quyền địa phương 2 cấp ở Thủ đô hoạt động ổn định, không ghi nhận gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay đã có 100% xã, phường xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số và hơn 84.000 quy trình tạm thời được cấu hình, bảo đảm hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Dấu ấn bước đầu của chính quyền địa phương 2 cấp ở Hà Nội đã, đang mở ra một giai đoạn mới của bộ máy hành chính hiện đại, năng động, hứa hẹn phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Đấy cũng chính là một chính thể hành chính mới, một chính quyền của dân, do dân và thực sự vì dân, gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân, của Thủ đô và rộng hơn là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Một chính quyền nhân dân chính là chính quyền hành động. Điều này thấy rõ trong quá trình Đảng bộ, chính quyền Thủ đô thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tính hành động thể hiện ở tinh thần nói đi đôi với làm. Đó là, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, thực hiện bài bản, nghiêm túc việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Cụ thể, thành phố có tỉ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã cao nhất cả nước (giảm từ 526 xã, phường, thị trấn xuống còn 126 xã, phường, tương đương 76%). Điều đáng mừng là công cuộc quan trọng này nhận được sự đồng thuận rất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
Song song với nhiệm vụ chính trị mang tính cách mạng kể trên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống chính quyền Thủ đô không để gián đoạn các công việc thường xuyên, thường ngày. Giai đoạn trước và sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động, mọi công việc từ phát triển kinh tế, chăm lo phúc lợi xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đến các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục - đào tạo, y tế, hoạt động văn hóa... đều được triển khai thực hiện bảo đảm thông suốt, đạt hiệu quả cao.
Kết quả nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,63% (cả nước ước đạt 7,52%); dự báo quý III đạt 8,18% và quý IV đạt 8,53%, bảo đảm hoàn thành mục tiêu 8% cả năm 2025. Đặc biệt, thành phố thu hút hơn 3,67 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng 216%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đầu năm)...
Rõ ràng, tính hành động nói đi đôi với làm của chính quyền thành phố đang khẳng định sự năng động, sáng tạo, thể hiện nhất quán quan điểm: Không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm. Tinh thần dấn thân này chính là đặc điểm nổi bật của chính quyền hành động, chính quyền nhân dân của hệ thống chính trị ở Thủ đô trong giai đoạn mới.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Thanh Xuân. Ảnh: Quang Thái
2. Nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền Thủ đô trong giai đoạn mới là bảo đảm mọi người dân được ấm no và hạnh phúc. Trách nhiệm này rất nặng nề, đòi hỏi hệ thống chính trị của Thủ đô, đặc biệt là chính quyền cấp xã, phải phản ứng và thực hiện các cơ chế, chính sách nhanh nhạy, kịp thời, bám sát nhu cầu thực tiễn, đáp ứng đúng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Vì lẽ đó, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai mô hình chính quyền mới.
Trong phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vào sáng 8-7, tinh thần nhất quán này tiếp tục được đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh rõ: “Thành phố triển khai vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp đòi hỏi sự rành mạch, thông suốt và hiệu quả. Phải chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải xác định rõ vai trò, chức năng của mình. Các nội dung công việc cụ thể phải được thực hiện một cách quyết liệt, minh bạch, có lộ trình và có người chịu trách nhiệm cụ thể”.
Sứ mệnh cao cả và cũng là bổn phận của chính quyền là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong một mô hình chính quyền mới, đặc biệt ở Thủ đô là cấp xã, phường thì sự rành mạch, thông suốt và hiệu quả là rất cần thiết. Với vị thế mới, rõ ràng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nói đi đôi với làm, kiên quyết xóa bỏ tâm lý thủ thế, sợ sai, sợ trách nhiệm. Cùng với đó, người đứng đầu các địa phương cần đổi mới tư duy lãnh đạo, phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị ở địa phương và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương 2 cấp gắn bó mật thiết với nhân dân để phụng sự nhân dân tốt nhất. Đây cũng chính là sự kỳ vọng của nhân dân vào hệ thống chính quyền mới đang hoạt động ở Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chính thể hành chính mới ấy sẽ góp phần củng cố và vun đắp niềm tin của nhân dân, định hình lại sứ mệnh phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương; đồng thời giúp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện, động lực và cơ chế mới cho Thủ đô cùng đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong kỷ nguyên mới.