A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thức "thâu đêm suốt sáng" sau nhiễm COVID-19, nữ bệnh nhân "cầu cứu" bác sĩ

Mất ngủ hậu COVID: Dù đã khỏi bệnh COVID-19 khoảng 1,5 tháng nhưng chị N.T.Q. thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ. Tình trạng này kéo dài liên tục khiến bệnh nhân gần như kiệt sức và phải nhập viện điều trị.

BSCK2 Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc – Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân N.T.Q (46 tuổi, quê Thanh Hóa) vào viện ngày 30/4/2022 do mất ngủ, lo lắng sau nhiễm SARS-CoV-2. 

Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi khỏi bệnh COVID-19 khoảng 1,5 tháng, chị Q. bỗng nhiên có biểu hiện mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, dù lên giường ngủ lúc 22h như bình thường nhưng rất lâu sau đó mới ngủ được và sáng ngủ dậy rất sớm. Trung bình một đêm chị này chỉ ngủ được 3 tiếng nên tinh thần rất mệt mỏi, làm việc không hiệu quả.

Các biểu hiện mất ngủ của bệnh nhân ngày một tăng dần, đêm ngủ chập chờn, phải thức dậy giữa đêm 3-4 lần, sau đó mỗi lần 20-30 phút mới ngủ lại được, có những đêm thức trắng. Kèm theo đó là hàng loạt các biểu hiện lo lắng, stress, có cơn hồi hộp đánh trống ngực, run tay chân, vã mồ hồi, người mệt mỏi, cảm giác choáng váng, ù tai, buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng…

"Bệnh nhân không sử dụng biện pháp gì để cải thiện giấc ngủ của mình. Các biểu hiện kéo dài 2 tuần bệnh nhân đi khám và điều trị tại viện tỉnh Thanh Hóa, triệu chứng không thuyên giảm nên đã đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần và được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ sau nhiễm SARS-CoV-2" – BS. Ngọc thông tin.

Theo BS. Ngọc, trường hợp này, ngoài được điều trị bằng hóa dược, bệnh nhân được mở rộng kiến thức về cách vệ sinh giấc ngủ, nâng cao thể trạng, đề phòng biến chứng biểu hiện rối loạn giấc ngủ và đã hồi phục giấc ngủ lại như xưa sau 3 ngày điều trị. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, tỉnh táo, tiếp xúc được, đỡ lo lắng căng thẳng, ăn uống ngon miệng. Ban đêm bệnh nhân đã ngủ được 8-9 tiếng, ngủ liền từ 21-6h sáng, sáng tỉnh táo.

Nhiều người mất ngủ, hoang tưởng, ảo giác hậu COVID

TS. Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới có đến hơn 200 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19, trong đó đáng chú ý là vấn đề sức khỏe tâm thần, rất nhiều trường hợp rối loạn tâm thần nặng nề, xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, suy giảm trí nhớ...

"Nếu như trước đây, một phòng khám chuyên ngành tâm thần tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân thì nay, sau đại dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân tới khám tăng tới hàng trăm bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân chủ yếu phàn nàn về tình trạng rối loạn giấc ngủ sau COVID-19, chiếm tỷ lệ 70-80%" - BS. Dũng thông tin.

- Ảnh 2.

Gia tăng bệnh nhân tới khám vì rối loạn giấc ngủ tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai. Ảnh: Bích Ngọc

Theo ThS.BSCK2 Đoàn Thị Huệ - Viện Sức khỏe Tâm thần, mất ngủ là một triệu chứng hay gặp ở thời kỳ sau nhiễm COVID-19, bệnh nhân bị suy giảm số lượng và/hoặc chất lượng giấc ngủ. Điều này gặp phải là do tình trạng viêm thần kinh và sự gián đoạn của hàng rào máu não. Trong đó, các cytokine đóng vai trò chủ đạo trong việc phá vỡ hàng rào máu não gây tổn thương viêm hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh.

“Mối liên quan giữa giấc ngủ và nhiễm SARS-CoV-2 là hai chiều. Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh miễn dịch tế bào cũng như dịch thể và thiếu ngủ có thể làm giảm phản ứng miễn dịch càng làm trầm trọng hơn triệu chứng COVID-19” - BS. Huệ nói.

Làm gì khi bị rối loạn giấc ngủ?

Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, TS. Dũng khuyến cáo:

- Ảnh 3.

TS. Nguyễn Văn Dũng nói về sự gia tăng bệnh nhân rối loạn giấc ngủ sau COVID-19

- Khi có rối loạn giấc ngủ, người dân nên có sự tư vấn của chuyên khoa để bảo đảm được điều trị tốt nhất.

- Nếu chưa đến được cơ sở chuyên khoa thì cần tự chăm sóc bản thân như bảo đảm đủ lượng vitamin, calo hàng ngày, luyện tập thể dục hàng ngày, bù đủ nước, điện giải và cần phải quan tâm đến vệ sinh giấc ngủ.

- Đặc biệt, người dân không tự ý sử dụng các loại thuốc bổ, tự mua thuốc điều trị hay dùng thuốc nam. "Người bị mệt cả cơ thể và trí não nhưng nếu cứ dùng thuốc tuần hoàn để nâng cao sức khỏe sẽ càng làm cho người bệnh luôn tỉnh táo, càng mất ngủ..." - TS. Dũng nói.

Liên quan đến vấn đề vệ sinh giấc ngủ, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ, những người gặp rối loạn giấc ngủ cần quan tâm đến môi trường ngủ sạch sẽ thông thoáng, lựa chọn trang phục rộng rãi thoải mái bảo đảm lưu thông khí huyết cho cơ thể. Căn phòng càng giản tiện các thiết bị, đồ dùng càng tốt.

Bệnh nhân nên tạo nhịp sinh học đi học vào một giờ cố định, bảo đảm không gian yên tĩnh hoặc có thể nghe nhạc nhẹ khi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp ngâm chân bằng nước ấm, dược liệu, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ.

Trước khi đi ngủ nên tránh tiếng ồn mạnh, sử dụng chất kích thích hay tập thể dục quá nặng, ăn nhiều đồ dầu mỡ. Nên tránh việc suy nghĩ quá nhiều về công việc trong ngày, tập trung nhiều hơn vào thực tại để duy trì giấc ngủ tốt hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...