Những con số “khổng lồ” của ngành y tế TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập: Gánh vác sức khỏe cho 14 triệu dân
Sau khi sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành y tế TP Hồ Chí Minh (HCM) bước vào giai đoạn phát triển với quy mô chưa từng có, phục vụ hơn 14 triệu dân trên diện tích gấp hơn ba lần trước đây.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Sở Y tế TP HCM đã công bố những con số đáng chú ý về hệ thống y tế sau hợp nhất, hé lộ áp lực và thách thức cực lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn vùng.
Sau khi sáp nhập, dân số TP HCM tăng từ gần 10 triệu lên khoảng 14 triệu người; diện tích địa bàn tăng từ 2.000km² lên hơn 6.700km². Điều này kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh: số lượt khám bệnh hàng năm dự kiến từ hơn 42 triệu tăng lên trên 51 triệu lượt, số lượt điều trị nội trú tăng từ 2,2 triệu lên 3,8 triệu lượt/năm.
TP HCM hiện được kỳ vọng sẽ cung ứng tới 30% tổng lượt khám ngoại trú và hơn 23% lượt điều trị nội trú cho cả nước.
Toàn hệ thống hiện có 164 bệnh viện, gồm 14 bệnh viện tuyến trung ương, 60 bệnh viện công lập (đa khoa và chuyên khoa), và 90 bệnh viện tư nhân (trong đó có 15 ở Bình Dương, 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng số giường bệnh là gần 50.000 giường tăng mạnh so với thời điểm trước sáp nhập, nhưng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân lại giảm từ 42 xuống còn 35.
“Với dân số mỗi triệu người tăng thêm, hệ thống cần bổ sung ít nhất 3.500 giường để giữ tỷ lệ 35 giường/vạn dân đây là một bài toán đầu tư vô cùng lớn", BSCKII Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhấn mạnh.
Một số bệnh viện mới kỳ vọng giúp giảm áp lực như: Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (1.500 giường, dự kiến hoàn thành cuối 2025), Bệnh viện An Bình (đang hoàn thiện giai đoạn 2), Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu.
Toàn vùng TP HCM mới hiện có 38 trung tâm y tế, 168 trạm y tế, 298 điểm y tế. Tuy nhiên, chỉ 164 trạm y tế đạt tiêu chuẩn diện tích 500m² theo yêu cầu mới. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiến hành quy hoạch lại để đảm bảo hệ thống cơ sở y tế đủ điều kiện hoạt động hiệu quả như "bệnh viện vệ tinh" trong cộng đồng.
Sau khi sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu, hệ thống y tế TP HCM đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của 14 triệu dân.
Ngoài ra, hệ thống phòng khám tư nhân phát triển mạnh với hơn 10.600 cơ sở, cùng 15.611 cơ sở dược, giúp đảm bảo tiếp cận thuốc men và dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân ở mọi khu vực.
Theo Nghị định 147, 148 và hướng dẫn của Bộ Y tế, TP HCM sẽ hợp nhất hệ thống trung tâm y tế không giường bệnh từ ba tỉnh thành thành 5 trung tâm chính, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm Pháp y, Trung tâm Y khoa, Trung tâm Kiểm định xét nghiệm, Trung tâm Cấp cứu 115.
Điều này giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành và tránh chồng chéo chức năng giữa các đơn vị.
Không chỉ dừng ở điều trị, mạng lưới chăm sóc xã hội cũng được mở rộng với 110 trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có 15 trung tâm công lập và 95 ngoài công lập hỗ trợ chăm sóc người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và các nhóm yếu thế.
TPHCM bước vào giai đoạn hậu sáp nhập với quy mô dân số và địa lý chưa từng có. Áp lực dành cho ngành y tế là rất lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để thiết lập lại hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả, toàn diện, đáp ứng kỳ vọng của hàng triệu người dân từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến vùng cao.