30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Điểm sáng khắc phục hậu quả chiến tranh
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, năm 2025 là cột mốc quan trọng đánh dấu 30 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương (1995-2025), đồng thời đánh dấu 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam (1975-2025).
Đây không chỉ là dịp để kỷ niệm những bước ngoặt lịch sử, mà còn là thời điểm nhìn lại và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thực chất giữa hai quốc gia, trong đó khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Nỗ lực của hai quốc gia từng là cựu thù này trong việc giải quyết các di sản chiến tranh, bao gồm khảo sát và xử lý bom mìn, xác minh người mất tích trong chiến tranh và xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, đã trở thành nền tảng cho mối quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển lên cấp độ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Nguyên Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (trên màn hình) phát biểu trong một video được ghi hình sẵn về quá trình hòa bình và hòa giải với Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quang/PV TTXVN tại Mỹ
Trong một video ghi hình sẵn được trình chiếu tại một hội thảo về 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam và quá trình hòa bình, hòa giải giữa hai nước, nguyên Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, cho biết nhiều di sản tồi tệ nhất tồn tại rất lâu sau khi cuộc chiến đã kết thúc như ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, bom mìn chưa được rà phá, những người bị khuyết tật nghiêm trọng về thể chất và nhận thức, hàng trăm nghìn người vẫn mất tích.
Theo ông, trong suốt hơn ba thập kỷ qua, các cơ quan và thể chế của Mỹ - từ Quốc hội với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đến USAID, Bộ Quốc phòng, Bộ Cựu chiến binh và Nhóm làm việc về di sản chiến tranh - đã nỗ lực chung tay để khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng lòng tin và tái thiết mối quan hệ với Việt Nam. Ông nhấn mạnh, quá trình này đã giúp hai cựu thù trở thành những đối tác của nhau.
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm bom mìn nghiêm trọng, đặc biệt là các loại bom đạn chưa nổ (UXO), trong đó phần lớn là bom chùm do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến tháng 1-2025, Mỹ là quốc gia tài trợ đơn lẻ lớn nhất cho các hoạt động khảo sát và xử lý bom mìn tại Việt Nam, với tổng ngân sách hỗ trợ vượt 250 triệu USD kể từ năm 1993.
Hai nước đã thiết lập khung hợp tác chính thức trong lĩnh vực này thông qua Biên bản ghi nhớ ký năm 2013 và được củng cố bằng một kế hoạch hành động hợp tác chuyên sâu vào năm 2023. Kể từ năm 1994, sự hỗ trợ của phía Mỹ không chỉ góp phần làm giảm đáng kể diện tích ô nhiễm UXO tại các địa phương miền Trung, mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro bom mìn, cải thiện sinh kế và bảo vệ an toàn cho nhiều người dân tại đây.
Kể từ năm 1991, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ hơn 155 triệu USD nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật tại các khu vực từng bị phun rải chất độc da cam/dioxin và chịu ảnh hưởng bởi UXO. Hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này không ngừng được mở rộng cả về quy mô lẫn chiều sâu.
Đáng chú ý, từ năm 2011 đến 2017, Việt Nam và Mỹ đã phối hợp triển khai thành công Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng với kinh phí 110 triệu USD do phía Mỹ tài trợ. Hiện nay, hai bên đang tiếp tục triển khai một dự án xử lý môi trường quy mô lớn hơn tại sân bay Biên Hòa, kéo dài trong 10 năm (2019-2029), với tổng ngân sách lên tới 450 triệu USD.
Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo, nhà nghiên cứu Charles Bailey, đồng tác giả cuốn sách “Từ kẻ thù đến đối tác: Việt Nam, Mỹ và chất độc da cam”, nhấn mạnh dù chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, những di sản đau thương của nó - đặc biệt là chất độc da cam và UXO - vẫn cần được tiếp tục giải quyết. Ông cho rằng còn nhiều công việc phải làm, từ rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, đến phối hợp tìm kiếm và xác định hài cốt lính mất tích trong chiến tranh.
Nhà nghiên cứu Charles Bailey, đồng tác giả của cuốn sách "Từ kẻ thù đến đối tác: Việt Nam, Mỹ và Chất độc màu Da cam". Ảnh: Ngọc Quang/PV TTXVN tại Mỹ
Bày tỏ quan tâm đặc biệt tới các nạn nhân là người trẻ tuổi - những người đại diện cho tương lai của Việt Nam - ông Bailey nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ họ, cả về vật chất và năng lực cộng đồng.
Ông đánh giá cao những nỗ lực lâu dài và quy mô lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc trợ giúp các nạn nhân, đồng thời cho rằng sự hỗ trợ từ phía Mỹ - thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ trực tiếp - vẫn mang ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp các gia đình vượt qua khó khăn và hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Với ông, không để ai bị bỏ lại phía sau chính là thông điệp nhân văn cốt lõi của hợp tác song phương trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ông Bailey cho rằng, Mỹ nên tiếp tục công việc rất quan trọng là xử lý dioxin cho đến khi hoàn thành hoàn toàn, giống như đã kiên trì xử lý xong ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng vào năm 2017. Tại sân bay Biên Hòa, việc xử lý lượng đất ô nhiễm dioxin sẽ mất nhiều thời gian hơn, có thể 10 năm. Giai đoạn 1 sẽ kéo dài đến năm 2027 và sau đó vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Bailey cho rằng công tác trên cần được hoàn tất bởi điều này có vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ.
Đội xử lý bom mìn lưu động của tổ chức MAG xử lý an toàn quả bom nặng 360kg. Ảnh: TTXVN
Kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao là cơ hội để Mỹ và Việt Nam tái khẳng định cam kết trong lĩnh vực nhân đạo, đồng thời điều chỉnh chiến lược hợp tác theo hướng phát triển bền vững để lĩnh vực này trở thành minh chứng cho khả năng hòa giải và phát triển toàn diện.