A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không đơn giản chỉ là chuyển đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến mà đó còn là sự chuyển đổi trong nhận thức, cách làm trên phương diện công nghệ số và môi trường số, tận dụng công nghệ số để thay đổi cách dạy, cách học.

Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia

Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra.

Ngoài ra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Chương trình đặt mục tiêu hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.

Cần nhận thức đồng bộ về chuyển đổi số

Trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo và triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Ảnh minh hoạ

Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như cơ điện, ô tô... ứng dụng các chương trình mô phỏng, và học liệu điện tử của các hãng lớn hoặc được tài trợ vào dạy học.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bắt đầu số hóa học liệu, một số trường đã hợp tác với các tổ chức bên ngoài để sử dụng thư viện số. Tuy nhiên số lượng này còn ít. Xét trên yếu tố tương tác qua lại giữa người dạy và người học, phần lớn các công nghệ sử dụng chỉ mang tích chất một chiều.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thay đổi cách quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp., cách dạy của giáo viên. Bên cạnh đó là cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Ngoài ra, quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp..

Trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19, nhiều giáo viên đã sử dụng Internet để giảng bài, giao bài từ xa. Do đó, không ít người vội có suy nghĩ việc sử dụng các bài giảng trực tuyến đã là chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi đó, đội ngũ nhà giáo còn áp dụng phương pháp cũ. Nhà giáo thiếu, thậm chí không có các kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chuyển đổi số... Đặc biệt thiếu kỹ năng liên quan đến phương pháp giảng dạy mới.

Thực tế, đào tạo trực tuyến phải là một hệ thống thống nhất đồng bộ từ quản lý nội dung, quản lý học tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số; Tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết