A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản

Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, bền vững, các bộ, ban, ngành và địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý liên quan đến đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án...

Các bộ, ban ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS cả về phía người bán và người mua.

Các bộ, ban ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS cả về phía người bán và người mua.

Nhận diện khó khăn, vướng mắc của thị trường

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản (BĐS) vừa diễn ra, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải cho biết, lĩnh vực BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất, vật liệu xây dựng… 

Lĩnh vực BĐS tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ giữa năm 2022 cho đến nay. Sự vận hành thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua vẫn nằm trong tổng thể các vấn đề chung về khoảng cách giữa các chính sách, định hướng phát triển và thực tế vận động của thị trường. Những yếu tố này không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.

Phân tích kỹ về những khó khăn của thị trường, ông Hoàng Hải cho rằng, thời gian qua, thanh khoản thì trường giảm mạnh cũng làm gia tăng khó khăn cho thị trường. Cụ thể, nguồn cung giảm khiến giá BĐS, nhà ở, đất nền tăng.

Điển hình như: Căn hộ chung cư liên tục lập những mốc giá mới, do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân có mức giá từ 25 -30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá từ 30 - 50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá từ trên 50 triệu đồng/m2 đã vượt quá khả năng đầu tư của các tầng lớp người dân.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều hành động rất quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực BĐS. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Sau một thời gian triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật, thể chế đã cơ bản được tháo gỡ. Việc triển khai Nghị quyết này đã “cởi bỏ” tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và ban hành nhiều Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn, cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

“Qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện, do nhiều nguyên nhân, điển hình như các vấn đề liên quan đến pháp luật về đất đai, phương pháp định giá đất”, ông Hoàng Hải làm rõ.

Bên cạnh những khó khăn về pháp luật, theo Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS còn có những nhóm vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện cũng đang tồn tại nhiều vấn đề khi khung pháp lý đã có, nhưng việc triển khai trên thực tế còn chậm do rất nhiều lý do.

Tích cực, chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường

Để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, bền vững, ông Hoàng Hải cho rằng, các bộ, ban, ngành và địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định. Cùng với đó,  là các quy định liên quan đến phía người bán và người mua để đảm bảo cân đối cung - cầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành và địa phương khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.  

Ngoài các giải pháp trên, Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án BĐS.

Đồng thời, theo dõi nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” BĐS trên địa bàn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...