Chú trọng nâng cao kỹ năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, cán bộ quản lý thông qua đào tạo
Nâng cao kỹ năng cạnh tranh cho cán bộ quản lý Công Thương địa phương và doanh nghiệp
Nâng cao kỹ năng cạnh tranh cho cán bộ quản lý Công Thương địa phương và doanh nghiệp về FTA là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác đào tạo nhân lực của Bộ Công Thương.
Ảnh minh họa |
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP),...
Phần lớn các FTA đã có hiệu lực, do vậy, nâng cao vị thế, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường quốc tế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đã tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này bị ảnh hưởng, dẫn tới có những đề nghị Chính phủ các nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn, trở ngại khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước...
Để hỗ trợ các cơ quan quản lý công thương và các doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương, thời gian qua Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng cạnh tranh cho doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước FTA thế hệ mới.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, nội dung đào tạo được tập trung vào các điểm mới về quy tắc xuất xứ EVFTA và VIFTA (giữa Việt Nam - EU và giữa Việt Nam - Israel). Hướng dẫn triển khai C/O điện tử trong VKFTA, AKFTA (giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giữa ASEAN và Hàn Quốc); giới thiệu các dự thảo văn bản thực hiện quy tắc xuất xứ sắp ban hành. Đại diện các doanh nghiệp tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến thực thi các FTA và biện pháp phòng vệ thương mại của các cơ quan chức năng Việt Nam, nhất là thực tế C/O hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu; tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu và các mặt hàng chủ lực; thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, qua đó cán cân thương mại được cải thiện rõ nét”- đại diện Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đã tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này bị ảnh hưởng, dẫn tới có những đề nghị Chính phủ của họ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn, trở ngại khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước.
Các chuyên gia trong quá trình tập huấn đã giải đáp cụ thể, đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, những giải pháp hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ,... Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý các doanh nghiệp cần nghiên cứu và nắm vững những quy định về phòng vệ thương mại; chủ động và tích cực phối hợp giữa các doanh nghiệp vì lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống kế toán minh bạch và theo chuẩn kế toán Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, qua các chương trình, đào tạo, tập huấn, lãnh đạo, cán bộ quản lý chuyên ngành của các Sở Công Thương có thể nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đánh giá đúng thực trạng, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.