A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn

Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, trong đó có mô hình lúa - cá và lúa - cá - vịt. Mô hình này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống, xây dựng cảnh quan khu vực nông thôn.

Thay đổi thói quen canh tác của người dân

Nhiều năm trước đây, gia đình ông Đinh Văn Hòa (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) chỉ chuyên canh cây lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, từ năm 2016, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển sang mô hình lúa - cá, với diện tích 6ha.

Theo đó, ruộng lúa được thả các loại cá như cá trắm cỏ, cá chép, cá rô..., mỗi năm thu hoạch 2 vụ, với giá trị thu nhập 250 triệu đồng/vụ. Mô hình này vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng.

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình lúa - cá, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển và nhân rộng mô hình này. Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Hội Nông dân xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) hỗ trợ 45.000 con cá giống chép V1 cho nông dân xã Sài Sơn tham gia mô hình lúa - cá, với diện tích hơn 3ha tại thôn Đa Phúc.

Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn

Thu hoạch cá tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hương Giang

Ông Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết: Tham gia mô hình lúa – cá, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% cá giống, 50% vật tư, thức ăn công nghiệp và 50% chế phẩm sinh học để xử lý nước.

Sau khi cấp cá giống, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Quốc Oai thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn hộ nuôi xử lý môi trường nước, quản lý thức ăn, kiểm tra trọng lượng cá, cách chăm sóc, đôn đốc hộ nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh cho cá, đặc biệt vào những tháng giao mùa bằng cách sử dụng các loại men tiêu hóa, vitamin C, tỏi. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn các hộ cách chăm sóc lúa đảm bảo song song với sự phát triển sinh trưởng của cá. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Mục đích của mô hình nhằm giúp người dân thay đổi sản xuất từ cấy lúa truyền thống kém hiệu quả sang kết hợp lúa - cá để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tình trạng bỏ ruộng hoang vụ mùa. Khi kết hợp cấy lúa - nuôi cá, giúp lúa giảm sâu bệnh, giảm chi phí công làm đất, tăng độ phì nhiêu của đất, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, tận dụng được diện tích mặt nước, lúa chết vụ mùa làm thức ăn cho cá, giảm chi phí thức ăn, tạo hệ sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn.

Các hộ muốn tham gia mô hình phải đáp ứng được về lao động, vốn đối ứng cũng như diện tích ruộng nuôi, ao nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn, không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi. Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã thuê 1 cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản để hợp đồng theo dõi, bám sát cơ sở, chỉ đạo mô hình”, ông Kiều Minh Khuê nhấn mạnh.

Tiếp tục mở rộng các mô hình lúa - cá

Đánh giá về kết quả của mô hình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Năm 2022, Trung tâm triển khai mô hình lúa - cá với quy mô 15ha, tại 5 huyện: Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai.

Qua triển khai thực tế cho thấy, mô hình tạo hiệu quả kép, do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa.

Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn

Hiện các mô hình lúa - các tại các địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản trên đất một lúa cho hiệu quả kinh tế cao; Cá sinh trưởng, phát triển tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình hơn 0,9kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 80 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống.

Do đó, thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

“Cùng với đó, hỗ trợ về giống, vốn cho nông dân thực hiện mô hình này đạt kết quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân thay đổi nhận thức, không bỏ ruộng hoang, tận dụng các chân ruộng trũng, thấp sang thực hiện hiệu quả mô hình này”, bà Vũ Thị Hương thông tin.

Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...