Trao đổi về lập báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã
Quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động của các địa phương. Do vậy, công tác kế toán nói chung và lập báo cáo tài chính nói riêng liên quan đến ngân sách và tài chính xã là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo việc thu chi ngân sách theo đúng các quy định của pháp luật kế toán và quy định khác của pháp luật. Bài viết giới thiệu về các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính ngân sách và tài chính xã, đồng thời đưa ra một số lưu ý để lãnh đạo các cấp liên quan và người làm công tác kế toán lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổng quan về báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã
Về hoạt động kế toán liên quan đến ngân sách xã và các hoạt động tài chính
Theo Điều 3, Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn, thì thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giao chính quyền cấp xã quản lý, bao gồm: Thu từ thuế, phí, lệ phí; các khoản huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thu viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho ngân sách xã.
Điều 13, Thông tư số 344/2016/TT-BTC quy định, Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức, thực hiện công tác hạch toán kế toán, quyết toán ngân sách xã theo mục lục ngân sách nhà nước và chế độ kế toán ngân sách xã hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo kế toán và quyết toán theo quy định. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện công tác kế toán thu, chi quỹ ngân sách xã theo quy định; định kỳ hằng tháng, quý báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách xã, tồn quỹ ngân sách xã gửi Ủy ban nhân dân xã theo quy định và báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã.
Điều 16, Thông tư số 344/2016/TT-BTC quy định rõ, bộ phận tài chính, kế toán xã giúp Ủy ban nhân dân xã quản lý tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao thực hiện các hoạt động sự nghiệp trong việc tổ chức hạch toán và quyết toán thu, chi; thực hiện chế độ báo cáo tài Chính phù hợp với từng hoạt động, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình hình tài chính của các hoạt động này.
Về khái niệm báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã
Theo khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán năm 2015, báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã, báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền của xã. Sau khi kết thúc kỳ kế toán năm, các xã phải khóa sổ và lập báo cáo tài chính. Thông tin báo cáo tài chính của xã là thông tin cơ sở để tổng hợp thông tin báo cáo tài chính nhà nước cho huyện.
Nguyên tắc, yêu cầu lập báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã
- Về nguyên tắc: Theo điểm a, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 70/2019/TT-BTC, việc lập báo cáo tài chính phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán. Báo cáo tài chính phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, phụ trách kế toán xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân của xã. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
- Về yêu cầu: Theo điểm b, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 70/2019/TT-BTC, báo cáo tài chính phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo biểu mẫu quy định về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền của xã. Báo cáo tài chính phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với xã, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán. Thông tin, số liệu báo cáo phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước.
Mục đích lập báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã
Báo cáo tài chính phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản của xã tại thời điểm 31/12 hàng năm, kết quả hoạt động và dòng tiền lưu chuyển của xã trong năm.
Bảng 1: Danh mục báo cáo | ||||||
STT | Ký hiệu biểu | Tên biểu báo cáo | Kỳ hạn lập báo cáo | Nơi nhận | ||
Phòng Tài chính huyện | HĐND xã | KBNN Huyện | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
1 | B01-X | Báo cáo tài chính | Năm | x | x | x |
Nguồn: Thông tư số 70/2019/TT-BTC
Số liệu trên báo cáo tài chính cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của xã theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành tài sản, kết quả hoạt động và dòng tiền lưu chuyển của xã trong năm. Căn cứ vào Báo cáo tài chính có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của xã.
Về kỳ lập báo cáo, nơi nộp và thời hạn nộp báo cáo tài chính
Theo Khoản 3, Điều 7, Thông tư số 70/2019/TT-BTC, báo cáo tài chính được lập vào thời điểm cuối kỳ kế toán năm theo quy định của Luật Kế toán.
Cụ thể, theo Điều 129, Luật Kế toán 2015, việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên. Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do. Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
Các xã nộp báo cáo tài chính cho Kho bạc Nhà nước cấp huyện nơi xã giao dịch, Hội đồng nhân dân xã, phòng tài chính huyện và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Về thời hạn nộp báo cáo tài chính, báo cáo tài chính năm của xã phải được nộp cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật về kế toán.
Lập và công khai báo cáo tài chính
Bảng 2: Mẫu lập báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã theo quy định hiện hành BÁO CÁO TÀI CHÍNH Năm………….. I. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH Tại ngày………tháng………..năm……….. Đơn vị tính: ……… | ||||
STT | Chỉ tiêu | Mã số | Số cuối năm | Số đầu năm |
A | B | C | 1 | 2 |
TÀI SẢN | ||||
I | Tiền | 01 | ||
II | Chi ngân sách xã chưa hạch toán vào ngân sách Nhà nước | 02 | ||
III | Các khoản phải thu | 03 | ||
IV | Hàng tồn kho | 04 | ||
V | Tài sản cố định | 10 | ||
1 | Tài sản cố định hữu hình | 11 | ||
- Nguyên giá | 12 | |||
- Hao mòn lũy kế | 13 | |||
2 | Tài sản cố định vô hình | 15 | ||
- Nguyên giá | 16 | |||
- Hao mòn lũy kế | 17 | |||
VI | Xây dựng cơ bản dở dang | 20 | ||
TỔNG CỘNG TÀI SẢN (30= 01+02+03+04+10+20) | 30 | |||
NGUỒN VỐN | ||||
I | Nợ phải trả | 40 | ||
II | Thu ngân sách xã chưa hạch toán vào ngân sách Nhà nước | 41 | ||
III | Thặng dư lũy kế | 45 | ||
IV | Các quỹ tài chính ngoài ngân sách của xã | 46 | ||
V | Nguồn khác | 47 | ||
1 | Nguồn kinh phí đầu tư XDCB | 48 | ||
2 | Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ | 49 | ||
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN (50=40+41+45+46+47) | 50 | |||
II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG | ||||
STT | Chỉ tiêu | Mã số | Năm nay | Năm trước |
A | B | C | 1 | 2 |
1 | Thu ngân sách xã hạch toán vào ngân sách Nhà nước | 60 | ||
2 | Chi ngân sách xã hạch toán vào ngân sách Nhà nước | 61 | ||
3 | Thặng dư (62 = 60 - 61) | 62 | ||
III. LƯU CHUYỂN TIỀN | ||||
STT | Chỉ tiêu | Mã số | Năm nay | Năm trước |
A | B | C | 1 | 2 |
1 | Các khoản thu | 70 | ||
- Thu ngân sách xã | 71 | |||
- Tiền thu khác | 72 | |||
2 | Các khoản chi | 73 | ||
- Tiền chi ngân sách xã | 74 | |||
- Tiền chi khác | 75 | |||
3 | Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động xã | 76 | ||
4 | Số dư tiền đầu kỳ | 77 | ||
5 | Số dư tiền cuối kỳ | 78 |
Nguồn: Thông tư số 70/2019/TT-BTC
Việc lập và công khai báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã là yêu cầu bắt buộc theo quy định hiện hành tại Luật Kế toán năm 2015 và Thông tư số 70/2019/TT-BTC.
Trách nhiệm của các xã trong việc lập báo cáo tài chính
Các xã phải lập báo cáo tài chính năm theo mẫu biểu quy định tại Phụ lục số 04, kèm theo Thông tư số 70/2019/TT-BTC (Bảng 2).
Công khai báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính được công khai theo quy định của pháp luật về kế toán và các văn bản có liên quan. Theo khoản 2, Điều 14, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước, việc công khai báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: Phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, giải thích phương pháp lập báo cáo tài chính nêu tại Phụ lục số 04 “Hệ thống Báo cáo tài chính”, kèm theo Thông tư số 70/2019/TT-BTC.
Một số lưu ý
Trong quá trình lập báo cáo tài chính đối với ngân sách và tài chính xã, người làm công tác kế toán cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, xã phải trình bày các chỉ tiêu báo cáo theo mẫu quy định, khi lập báo cáo không được thêm bớt các chỉ tiêu, trường hợp chỉ tiêu nào không có phát sinh thì bỏ trống phần số liệu. Báo cáo tài chính phải được lập kịp thời, đúng thời gian, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán.
Thứ hai, cơ sở để lập Báo cáo tài chính là: i) Nguồn số liệu để lập Báo cáo tài chính là số liệu trên sổ kế toán tổng hợp và các sổ kế toán chi tiết tài khoản và ii) Báo cáo tài chính kỳ trước. Như vậy, khi lập báo cáo tài chính, người làm công tác kế toán xã phải nắm ra cơ sở này.
Thứ ba, về thuyết minh báo cáo tài chính: Ngoài việc lập báo cáo tài chính thì kế toán xã phải thực hiện cả việc thuyết minh báo cáo. Việc thuyết minh cần thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04, kèm theo Thông tư này. Phần thuyết minh tập trung vào các nội dung như: Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Phần 1 - Tình hình tài chính (Tiền, Các khoản phải thu, Hàng tồn kho, Tài sản cố định, Xây dựng cơ bản dở dang, Nợ phải trả, Các quỹ tài chính ngoài ngân sách); Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Phần 2- Kết quả hoạt động (Thu ngân sách xã hạch toán vào ngân sách Nhà nước; Chi ngân sách xã hạch toán vào ngân sách Nhà nước; Thặng dư - Số kết dư ngân sách xã năm nay); và Thông tin thuyết minh khác (nếu có).
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2015), Luật Kế toán;
- Chính phủ (2017), Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 về báo cáo tài chính nhà nước;
- Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã;
- Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;
- Một số website: mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thuvienphapluat.vn...