Tòa án Tối cao mở đường cho ông Trump sa thải hàng nghìn nhân sự tại Bộ Giáo dục Mỹ
Tòa án Tối cao Mỹ hôm thứ Hai đã mở đường cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục cắt giảm Bộ Giáo dục Mỹ, một phần trong nỗ lực của ông nhằm tinh giản bộ máy chính quyền liên bang.
Theo đó, các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đã bãi bỏ lệnh của một thẩm phán liên bang cấp dưới trước đó đã khôi phục chức vụ cho gần 1.400 nhân viên bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải hàng loạt tại bộ này.
Cụ thể, vào ngày 22/5, thẩm phán Myong Joun tại Boston, người được cựu Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden bổ nhiệm, đã ra lệnh phục hồi chức vụ cho những người lao động bị sa thải và cũng chặn kế hoạch chuyển giao các chức năng của Bộ Giáo dục Mỹ cho các cơ quan liên bang khác.
Các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm tối đa nhân sự tại Bộ Giáo dục Mỹ.
Được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1979, Bộ Giáo dục liên bang của Mỹ có vai trò chính bao gồm quản lý các khoản vay đại học, theo dõi thành tích học tập của học sinh và thực thi quyền công dân trong trường học. Bộ này cũng cung cấp ngân sách liên bang cho các khu vực gặp khó khăn và hỗ trợ học sinh khuyết tật.
Tuy nhiên, luật liên bang lại cấm Bộ Giáo dục Mỹ kiểm soát hoạt động của trường học, bao gồm chương trình giảng dạy, hướng dẫn và nhân sự. Thẩm quyền quyết định những vấn đề này thuộc về chính quyền tiểu bang và địa phương, những cơ quan cung cấp hơn 85% ngân sách cho trường công.
Những người chỉ trích đã mô tả Bộ Giáo dục Mỹ là biểu tượng của sự lãng phí quan liêu, nhấn mạnh nhu cầu về một chính quyền liên bang nhỏ hơn để ủng hộ quyền lực lớn hơn của tiểu bang.
Vào tháng 3 vừa rồi, ông Trump đã cố gắng thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử về việc đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ. "Chúng tôi sẽ trả lại ngành giáo dục, rất đơn giản, cho các tiểu bang nơi nó thuộc về", ông Trump phát biểu vào ngày 20/3 trước khi ký sắc lệnh hành pháp cắt giảm bộ này ở "mức độ tối đa" mà luật pháp cho phép.
Ông Trump cho biết một số "nhu cầu cốt lõi" nhất định của Bộ Giáo dục Mỹ sẽ được giữ nguyên, bao gồm trợ cấp cho sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp và ngân sách liên bang cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo bộ này chuyển các khoản cho vay sinh viên trị giá 1,6 nghìn tỷ đô la cho Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ, đồng thời chuyển các chức năng giáo dục đặc biệt cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Mặc dù việc chính thức giải thể Bộ Giáo dục Mỹ sẽ cần đến đạo luật của Quốc hội, nhưng việc cắt giảm quy mô đã được Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon công bố vào tháng 3 nhằm mục đích cắt giảm số lượng nhân viên của bộ xuống còn khoảng một nửa so với thời điểm Trump nhậm chức vào tháng 1.