A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kim loại bạc - động lực gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn

Kim loại quý bạc ngày càng cho thấy ứng dụng công nghiệp mạnh mẽ bên cạnh vai trò trú ẩn truyền thống, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.

Việt Nam hiện đóng góp quan trọng cho chuỗi giá trị hàng trăm tỷ USD này. Cơ hội ngành chip bán dẫn Việt Nam rộng mở hơn khi mối quan hệ Việt - Mỹ được củng cố. Do đó, việc sớm đánh giá và chủ động nguồn cung kim loại, trong đó có bạc sẽ giúp Việt Nam ‘đặt chân’ vào các khâu có giá trị cao hơn.

Nhu cầu bạc sẽ tăng chóng mặt trong tương lai

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), từ đầu quý II đến nay, giá bạc có xu hướng đi ngang ở vùng 22,1 - 26,5 USD/ounce khi tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại. Tuy nhiên, giá bạc trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay vẫn cao hơn 35% so với giai đoạn 2015 - 2020, do ứng dụng công nghiệp ngày càng rộng rãi.

Kim loại bạc - động lực gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn
Diễn biến giá bạc COMEX 1 năm

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “Trong tuần này, Fed sẽ có cuộc họp quan trọng và nhiều khả năng lãi suất được giữ nguyên ở mức 5,25 - 5,5%. Trong bối cảnh lãi suất không còn nhiều biến động như giai đoạn trước, nhu cầu công nghiệp điện tử đang tăng trưởng vượt bậc sẽ là một trong các yếu tố ảnh hưởng tới giá bạc.”

“Là kim loại dẫn điện tốt nhất, bạc được sử dụng trong sản xuất chip bán dẫn, bảng mạch in, CPU và điện thoại di động. Khi tốc độ chuyển đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng thì nhu cầu tiêu thụ bạc sẽ càng ngày càng cao”, ông Quang Anh cho biết thêm.

Theo báo cáo của Viện Bạc quốc tế, nhu cầu bạc trong công nghiệp sẽ chiếm 79,1% tổng nhu cầu vào năm 2030, tăng từ 44,7% trong năm 2022. Tiêu thụ bạc trong lĩnh vực điện tử năm 2023 được dự báo sẽ tăng 3% lên 382,2 triệu ounce, chiếm hơn 66% tổng nhu cầu công nghiệp.

Đặc biệt, nhu cầu bạc trong sản xuất chip bán dẫn đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Viện Bạc cho biết tiêu thụ bạc cho các công nghệ 5G như IoT và chất bán dẫn sẽ tăng 200% trong một thập kỷ tới, đạt 23 triệu ounce trong năm 2030.

Do đó, để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn cung cho tương lai để bắt kịp tốc độ phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn sẽ cần nhiều bạc

Có thể nói rằng tiềm năng lớn khiến ngành công nghiệp bán dẫn trở thành mục tiêu hấp dẫn của nhiều quốc gia. Với lợi thế riêng, nhiều ‘tên tuổi’ đang chọn Việt Nam để đặt trung tâm sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.

Nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, Việt Nam có nhiều cơ hội ở phía trước, đặc biệt là có mối quan hệ thương mại với Mỹ, một cường quốc về công nghệ chip bán dẫn.

Theo dữ liệu của Bloomberg, quý I/2023, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia cung cấp chất bán dẫn lớn nhất của Mỹ, chiếm 10,9% thị phần (sau Malaysia và Đài Loan). Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi tổng giá trị xuất khẩu tăng 62,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 1,7 tỷ USD, nhanh hơn nhiều so với mức tăng 8,1% của Đài Loan và mức giảm mạnh 32,3% của Malaysia.

Kim loại bạc - động lực gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn
Cơ cấu nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ theo quốc gia

Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn Việt Nam vẫn đang tập trung ở khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, chiếm khoảng 6% trong chuỗi giá trị. Giá trị của công đoạn này thấp hơn nhiều so với khoảng 53% giá trị của khâu thiết kế và 24% giá trị của khâu sản xuất, và cũng ít sử dụng trực tiếp các kim loại thô, trong đó có bạc.

Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo cấp cao hai nước ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Việt Nam và Mỹ cũng tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Do đó, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở khâu đóng gói. Và khi đó, ngành công nghiệp này sẽ cần sử dụng nhiều bạc hơn, thay vì các ứng dụng truyền thống như tích trữ, hay trang sức.

Chủ động nguồn cung bạc để nắm chắc thời cơ

Hiện nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Hàn Quốc… đang đầu tư các dự án sản xuất chất bán dẫn hàng tỷ USD tại Việt Nam. Mới đây, dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc của Công ty Hana Micron Vina tại KCN Vân Trung (Bắc Giang) do công ty của Hàn Quốc đầu tư với mức vốn gần 600 triệu USD đã được khánh thành. Ngoài ra, công ty Synopsys và công ty Marvell có trụ sở tại California cũng đã công bố thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại TP.HCM sau khi mối quan hệ Việt - Mỹ trở nên khăng khít hơn.

Nhìn về tương lai dài hạn, Việt Nam có cơ hội tham gia vào những khâu sản xuất mang giá trị cao hơn, tạo tiền đề cho việc tiêu thụ các mặt hàng kim loại quý, tiêu biểu là bạc.

Tiềm năng là vậy nhưng vấn đề là làm sao chủ động được nguồn cung bạc cho sản xuất công nghiệp sản xuất chất bán dẫn?

Theo Viện Bạc, nhu cầu bạc vượt xa nguồn cung khi đã tăng 38% kể từ năm 2020, trong khi sản lượng khai thác tăng trưởng chậm hơn nhiều. Bên cạnh đó, báo cáo của Schiff Gold cho biết trữ lượng bạc của hai quốc gia sản xuất lớn nhất trên thế giới là Mexico và Trung Quốc sẽ cạn kiệt vào năm 2050 nếu tiếp tục duy trì tốc độ khai thác như hiện tại.

Kim loại bạc - động lực gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn
Cán cân cung cầu bạc trên thế giới

Hiện nay, Việt Nam chưa có mỏ bạc thực thụ. Bạc thường đi kèm như một sản phẩm phụ từ việc khai thác chì, đồng, vàng và niken. Tuy nhiên, công nghệ khai thác còn yếu khiến việc thu hồi bạc từ những loại quặng trên hầu như không thực hiện được.

Do đó, nguồn kim loại quý, bao gồm bạc của nước ta chủ yếu đến từ kênh nhập khẩu, phần lớn từ các quốc gia châu Á. Việt Nam nhập khẩu kim loại quý nhiều nhất từ Hồng Kông, chiếm hơn 22% giá trị kim ngạch, theo sau là Hàn Quốc (21% giá trị), Ấn Độ (11% giá trị). Đây đều là các quốc gia tham gia vào ‘đường đua’ sản xuất chip điện tử.

“Để tham gia vào chuỗi giá trị trong lĩnh vực chip bán dẫn ở các khâu quan trọng như thiết kế, sản xuất, thì trong dài hạn, việc nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu thô là điều cần làm ngay. Trong bối cảnh nguồn cung bạc toàn cầu đang trở nên khan hiếm hơn, bên cạnh nhập khẩu nguyên liệu, các phát kiến công nghệ nhằm khai thác các mỏ khoáng sản chứa bạc trong nước cũng sẽ là một giải pháp. Không chỉ phục vụ ngành sản xuất điện tử, mà kim loại bạc, với vai trò chìa khoá đối với ngành năng lượng xanh như sản xuất ô tô, điện gió cũng đang là những lĩnh vực mà Việt Nam đang hướng tới ”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.

 

Tác giả: Hoàng Tùng - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...