A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên Quang giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Tại Tuyên Quang, các dân tộc thiểu số được tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát triển văn hóa nói chung, tiếng nói và chữ viết nói riêng.

Người dân Cao Lan ở Tuyên Quang tổ chức các hoạt động để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống.

Người dân Cao Lan ở Tuyên Quang tổ chức các hoạt động để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống.

Chủ động gìn giữ

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 22 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 474.000 người là đồng bào thiểu số, chiếm trên 54,1% dân số của tỉnh.

Thời xa xưa, vùng đất này tập trung chủ yếu là người Tày, Dao, Cao Lan, Sán Dìu và một số dân tộc khác.

Các dân tộc thường có tập quán sống thành từng bản. Quan hệ gia đình, dòng họ tương đối chặt chẽ, phong tục, tập quán đa dạng, phong phú. Nhiều dân tộc có tiếng nói và chữ viết riêng.

Trong quá trình phát triển, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định hai yếu tố “xương sống” là phát huy truyền thống cách mạng và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành. Bởi giữ được bản sắc mới giữ được hồn cốt dân tộc. Giữ được bản sắc mới có thể phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Thể chế những chủ trương chung đó, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về việc phát triển văn hóa kết hợp phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó có việc triển khai bảo tồn gìn giữ tiếng nói và chữ viết của các dân tộc.

Ông Tiêu Sơn Học, người dân tộc Cao Lan ở thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã có gần 20 năm là Người có uy tín. Ông Học tấm gương Người uy tín tiêu biểu về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Học cho biết, từ nhỏ đã được nghe các bà, các mẹ, các chị, các anh hát Sình ca, một lối hát đối đáp, giao duyên của dân tộc, nhất là mỗi dịp lễ, Tết. Nhưng những điệu hát Sình ca chủ yếu là được truyền miệng, vì vậy nếu không được ghi chép lại sẽ dễ bị mai một.

Chính vì vậy, ông Học đã tìm hiểu và học chữ từ bố mình với mong muốn ghi chép lại điệu hát Sình ca, để có thể phổ biến cho mọi người có thể hát được.

Cứ như vậy, những lúc rảnh rỗi ông lại tranh thủ ghi chép.

Ông Học chia sẻ, đến nay đã ghi chép được 6 quyển hát đêm, 1 quyển hát trong đám cưới và 1 quyển hát giao duyên.

Ngoài ra, với tâm huyết của mình, ông Học sưu tầm và lưu giữ được cuốn sách cổ 200 năm tuổi và dịch những lời hát Sình ca cổ được trên 300 bài từ cuốn sách này.

Từ năm 2005, ông Học và một số người cao tuổi trong thôn Đoàn Kết đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Sình ca Cao Lan. Với nỗ lực của cá nhân ông Học và một số người cao tuổi, Câu lạc bộ hát Sình ca hiện phát triển lên 30 thành viên, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt 1 lần tại Nhà văn hóa thôn.

Ông Học còn có công đầu trong việc thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá dân tộc Cao Lan làng Minh Cầm vào năm 2017.

Câu lạc bộ đã thu hút sự tham gia của hơn 40 thành viên của 3 thôn: Đoàn Kết, Hoà Bình, Dân Chủ. Các thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều người trẻ, chưa biết hát Sình ca đã được ông hướng dẫn, động viên tham gia.

Mọi người đến Câu lạc bộ luyện tập, sưu tầm, giao lưu các bài hát, điệu múa, dạy chữ viết, tiếng nói, văn hóa dân gian của đồng bào Cao Lan cho nhau.

2-pathen-9341.jpg

Lớp truyền dạy tiếng nói và văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn tại huyện Chiêm Hóa. (Ảnh: Văn Linh)

Truyền dạy tiếng nói, chữ viết

Chiêm Hóa là huyện miền núi của Tuyên Quang với 18 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 81,4% dân số toàn huyện.

Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Chiêm Hóa đã mở các lớp tập huấn truyền dạy văn hóa dân gian tại các xã Hà Lang, Tân An, Yên Lập, Kim Bình, Tri Phú…

Tại các lớp học, những học viên là hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, thanh thiếu niên đam mê ca hát, yêu thích văn hóa dân tộc đã được học cách tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, xây dựng chương trình biểu diễn, lựa chọn chủ đề, diễn viên. Các học viên còn được học hát Then, đàn Tính, múa Tày, múa khèn Mông, thổi khèn, hát dân ca, múa ô, học viết và nói tiếng dân tộc…

Lớp học tiếng Pà Thẻn theo hình thức truyền khẩu tại Nhà văn hóa thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú vào đầu năm 2024 có 57 học viên; lớp truyền dạy Văn nghệ 20 học viên. Tất cả học viên tham gia các lớp học đều là con em người dân tộc Pà Thẻn hiện đang sinh sống tại thôn Khuổi Hóp và thôn Lăng Luông, xã Linh Phú.

Sau thời gian 60 ngày đối với học tiếng và 40 ngày học lớp truyền dạy văn hóa, 2 lớp học đã hoàn thành chương trình giảng dạy.

Thông qua lớp học nhằm bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, góp phần phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Theo thống kê của tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đến hết năm 2023 toàn tỉnh đã mở 25 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...