Trực thăng tới giải cứu ở Afghanistan nhưng chỉ có thể đưa xác đi
Nhà cửa đổ nát, tiếng khóc than ở khắp nơi là những gì đang xảy ra tại hiện trường vụ động đất làm hơn 1.000 người chết ở Afghanistan.
"Mỗi con phố tôi đi qua, đều nghe thấy tiếng khóc vì những người thân trong gia đình thiệt mạng", một phóng viên của BBC mô tả tình hình sau trận động đất mạnh 5,9 độ ở miền Đông Afghanistan khiến hàng nghìn người thương vong hôm 22/6.
"Hơn 1.000 người đã thiệt mạng và hơn 1.500 người khác bị thương trong trận động đất chỉ riêng tại quận Gayan và Barmal của tỉnh Paktika", ông Mohammad Amin Hozaifa, người đứng đầu ở Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Paktika, nói với CNN.
Những ngôi nhà đổ nát sau trận động đất kinh hoàng tại Afghanistan. Ảnh: AFP.
Quang cảnh tại nơi xảy ra động đất hoang toàn và đổ nát, cùng với tiếng khóc của những người đã mất đi gia đình thân yêu.
"Ai cũng đều bàng hoàng và tuyệt vọng"
Ahmad Nour, một người dân ở khu vực xảy ra động đất, cho biết: "Tôi đang rất sợ. Tôi đã cố gắng tìm kiếm bạn bè của mình".
"Có thể nghe thấy tiếng còi xe cứu thương ở khắp mọi nơi. Tôi đã nói chuyện với mọi người và ai nấy cũng đều bàng hoàng. Họ đã mất đi những người thân yêu và đang ở trong tình cảnh khốn khổ".
Phóng viên tại hiện trường cũng ghi lại hình ảnh một bé gái chỉ ba hoặc bốn tuổi, người phủ đầy bùn đất, đang đứng trước một ngôi nhà bị sập một phần của mình. Em bé trông bàng hoàng và không rõ chuyện gì đã xảy ra với những người còn lại trong gia đình mình.
Hai em bé ngồi cạnh ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn bởi trận động đất. Ảnh: AFP.
Karim Nyazai, một người đi lao động xa nhà, vội vàng quay trở về sau khi nghe tin ngôi làng của anh bị động đất. "Tôi đã mất 22 người trong gia đình, bao gồm chị gái và ba anh em trai", anh Nyazai chia sẻ với Guardian.
"Khắp nơi là thi thể được bọc trong chăn", Karim chia sẻ.
Ông Alem Wafa, 49 tuổi, đã đến một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Paktika để giúp kéo những người bị mắc kẹt ra ngoài. "Tôi đến đây từ sáng nay và chỉ riêng bản thân tôi đã tìm 40 thi thể, trong đó có rất nhiều trẻ em", ông Wafa cho biết về tình trạng đau thương.
"Một vài trực thăng đã đến để giúp đỡ nhưng không rõ họ có thể làm gì khác ngoài việc di chuyển các xác chết", một người dân Afghanistan khác cho biết.
Thậm chí, "các bác sĩ và y tá nằm trong số các nạn nhân", một bác sĩ từ quận Gayan ở Paktika cho biết. "Chúng tôi không có đủ người và cơ sở vật chất trước trận động đất. Giờ đây, tôi không biết bao nhiêu đồng nghiệp của chúng tôi vẫn còn sống".
Nguy cấp
Chính quyền Taliban đã triển khai các nguồn lực khẩn cấp, bao gồm một số máy bay trực thăng và hàng chục xe cứu thương, đồng thời cung cấp các gói cho các gia đình nạn nhân.
Đồng thời, họ cũng kêu gọi viện trợ nước ngoài, mong muốn nhận được "sự hỗ trợ rộng rãi của tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế, các cá nhân và quỹ".
Các tình nguyện viên tham gia công tác cứu trợ. Ảnh: CNN.
Mặc dù các cơ quan viện trợ đang cố gắng cứu trợ người dân ở khu vực xảy ra thiên tai nhưng việc cung cấp nước và thông tin liên lạc đang gặp phải nhiều thách thức. Nhiều tổ chức đã rút khỏi Afghanistan và nhiều quốc gia đã ngừng cung cấp viện trợ phát triển sau khi lực lượng Taliban nắm quyền vào tháng 8/2021.
Các chuyên gia và quan chức cho biết những nhu cầu cấp bách nhất trước mắt bao gồm vận chuyển, chăm sóc y tế cho những người bị thương và cung cấp nơi ở, thức ăn, nước uống, quần áo cho các nạn nhân.
Bà Sam Mort - Giám đốc truyền thông của UNICEF tại Afghanistan - cho biết: "Chúng tôi đã điều các đội y tế và dinh dưỡng lưu động đến khu vực bị ảnh hưởng để sơ cứu những người bị thương".
"Chúng tôi đang huy động các xe cứu trợ cùng với các vật tư như bộ dụng cụ vệ sinh, chăn và lều và bạt", bà Mort cho biết.
Amir Hakim Tanai, quan chức của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ở Afghanistan, cũng cho biết các nhân viên của cơ quan này đang trên đường tới hỗ trợ.
Song, trời mưa lớn đang làm công tác tiếp cận khu vực cần cứu trợ trở nên phức tạp hơn.
Ông Wafa cho biết: "Thiếu lực lượng cứu trợ chính thức, nhưng người dân từ các thành phố và làng lân cận đã đến đây để giải cứu mọi người". Nếu có thể tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng, những tình nguyện viên thậm chí đã đào bới bằng tay không.
Trận động đất được là thảm họa chết chóc nhất ở Afghanistan kể từ năm 2002. Số người thiệt mạng được cho là sẽ còn tăng.
Khu vực xảy ra động đất. Đồ họa: BBC
Trực thăng giải cứu nạn nhân trong thảm kịch Afghanistan Người dân Afghanistan hỗ trợ đưa người bị thương đến trực thăng cứu hộ sau thảm kịch động đất ngày 22/6 khiến ít nhất 920 người chết và 600 người bị thương.