A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở TP HCM, người dân cần làm gì để phòng tránh?

Người dân khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược thì báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú.

Sáng 3/10, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết TP ghi nhận ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên. Thông tin về ca mắc đã được báo cáo Bộ Y tế, chờ thông báo chính thức. 

Theo PGS. TS Tăng Chí Thượng, hiện nay, Sở Y tế TP HCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, ngay sau khi bệnh đậu mùa khỉ được công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Sở Y tế TP HCM đã khẩn trương triển khai các giải pháp giám sát đậu mùa khỉ trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh.

Người dân khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược thì báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú.

Xuất hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở TP.HCM, người dân cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 2.

TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM cho rằng, tình huống này không bất ngờ. Theo bác sĩ Khanh, ca bệnh mới cần được phân tích yếu tố dịch tễ để biết nguy cơ từ đâu, xâm nhập ở mức độ nào. Từ đó, đánh giá nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, xác định đối tượng nguy cơ.

"Những nội dung trên cần được thông báo rõ ràng đến cộng đồng để giúp người dân hình dung được yếu tố nguy cơ và phải làm gì để phòng ngừa. Tuy nhiên, xét cho cùng, khả năng lây lan ra cộng đồng của bệnh đậu mùa khỉ rất thấp", ông nói.

Theo bác sĩ Khanh, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đã ghi nhận bệnh đậu mùa, biện pháp phòng ngừa lây nhiễm với đối tượng MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) vẫn rất hiệu quả.

Theo khuyến cáo, để phòng bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới mà ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Hoa Kỳ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc, sau đó được báo cáo rải rác ở những du khách từ Nigeria đến Israel vào tháng 9-2018, Vương quốc Anh vào tháng 9-2018, tháng 12-2019 và tháng 5-2021; Singapore vào tháng 5-2019; và Hoa Kỳ vào tháng 7 và tháng 11-2021.

Từ tháng 5 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó.

Đáng chú ý, dịch đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp bệnh. Ngày 23-7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Đến ngày 15-8-2022 đã ghi nhận trên 35.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 92 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Hiện có một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết