A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều điểm sáng trong bức tranh bất động sản

Những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp bất động sản (BĐS), môi giới BĐS…) đã góp phần tích cực nhằm “giữ” ổn định thị trường BĐS. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

Hiện, các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu.

Hiện, các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện, các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian. Tổng giao dịch quý 1, 2, 3 lần lượt là 2.700, 3.700 và 6.000. Đồng thời, cũng bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Thêm nhiều địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp BĐS như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai… Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận.

Nhiều tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận của thị trường BĐS Việt Nam

Đáng chú ý, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện; tuy nhiên chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng. Điều này được thể hiện bởi: số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. 9 tháng 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp BĐS giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp BĐS rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch BĐS: 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự...

Cũng theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, doanh nghiệp BĐS còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc: trái phiếu, tín dụng ngân hàng... BĐS nghỉ dưỡng chưa có cơ hội “trở mình” do Nghị định 10/2023/NĐ-CP chưa phát huy được nhiều tác dụng. Mới chỉ ghi nhận động thái từ Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ. Hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm.

Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án. Nhiều dự án đầu tư công được triển khai, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông tại một số địa phương như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… trong tương lai không xa sẽ trở thành bệ phóng giúp thị trường BĐS khu vực phát triển một cách chất lượng và bền vững.

Niềm tin vào thị trường của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Nhiều nhà đầu tư của một số dự án quyết tâm “ôm hàng” dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại. Thị trường bắt đầu xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc “săn BĐS giá hời” để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam nêu rõ, đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường BĐS. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường BĐS thực sự trở về “trạng thái bình thường mới”. Đặc biệt, hơn nửa đầu 2023, Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường BĐS. Gần 20 động thái được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, đã góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Trong số đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2022 được cho là tín hiệu cao nhất, mang tính định hướng và chỉ dẫn. Càng ngày, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ càng sát hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp; chứng tỏ sự quan sát và lắng nghe một cách sát sao từng động thái của thị trường.

Điều này được thể hiện rõ nét qua văn bản số 756/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, cản trở; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để quy định không rõ ràng...

Nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường đã từng bước được tháo gỡ. Các địa phương tích cực vào  cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp BĐS. Cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc cho hầu hết các dự án “còn khả năng” tái khởi động trở lại. Thu hồi những dự án vi phạm quy định pháp luật, chậm triển khai, nhiều năm vẫn là “mảnh đất trống”. Tiếp tục có những tín hiệu “trợ lực” từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, sự hấp thụ chưa đạt như kỳ vọng, mặc dù NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt, dao động từ 6,7% đến 10%, tiệm cận về mức đầu năm 2022, giảm từ 0,4% đến 3,5% so với cuối quý 2/2023. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án chưa được giải quyết vướng mắc pháp lý do chính bản thân doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay ngân hàng; Thị trường chưa có nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu được chào bán cũng như người dân chưa có nhu cầu vay để mua BĐS; nhiều doanh nghiệp vừa “thoát khỏi cửa tử”, chỉ có khả năng hấp thụ vốn từ từ. Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cho phép vay đảo nợ, kích hoạt cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng, mở ra cơ hội để các khách hàng tiếp cận được với các khoản vay có chi phí thấp hơn; tuy nhiên, thực tế do thủ tục vay không dễ, chi phí phát sinh lớn,… nên tác dụng chưa đạt được như kỳ vọng.

Để thị trường nhanh chóng trở về “trạng thái bình thường mới”

Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Thị trường chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các “dự án ma”. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các “nhà đầu tư” tay ngang, thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường BĐS. Đồng thời cũng cho thấy tính cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm BĐS.

Bên cạnh các dự án “đứng hình” do khó khăn trong việc “xác định tiền sử dụng đất”. Các dự án đã trúng thầu tại nhiều địa phương cũng đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” do trúng thầu với giá cao. Chủ đầu tư đối mặt với kịch bản “không làm cũng chết mà làm cũng chết”. Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, sẽ gây ra các “tổn thương mới” trên cơ sở “vết thương cũ” chưa lành hẳn. Thị trường khó ghi nhận sự thay đổi đột biến nhưng sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024.

Chính phủ, các bộ, ngành cùng các bên liên quan sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong các động thái nhằm giúp thị trường nhanh chóng trở về “trạng thái bình thường mới”, bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng chi tiết và cụ thể hơn, “đánh thẳng” vào các vấn đề của thị trường. Các bộ luật liên quan đến thị trường BĐS sửa đổi với những nội dung quan trọng liên quan đến các vấn đề pháp lý của dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường. Gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng được đẩy mạnh tốc độ giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng 50 dự án và hàng nghìn người dân được tiếp cận gói tín dụng này. Nguồn cung mới có xu hướng tăng nhẹ, nhiều dự án vướng mắc ở khâu pháp lý cuối cùng được tháo gỡ. Tình hình thị trường khả quan hơn, chủ đầu tư (CĐT) cũng sẽ mở bán lại các sản phẩm đã tạm dừng, đóng giỏ hàng trước đó. Thị trường sẽ chứng kiến sự “góp mặt” của một số “cánh chim đầu đàn” trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NOXH) và nhà ở thương mại giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn nguồn cung vẫn chưa thể có sự “đột phá”, do các dự án cần một khoảng thời gian tương đối để có thể triển khai, đủ điều kiện mở bán.

Sau chuỗi ngày khó khăn và những nỗ lực không ngừng nhằm phát triển thị trường theo hướng minh bạch và lành mạnh hơn; đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để các hoạt động khác nói chung và hoạt động M&A có điều kiện thuận lợi để có thể đi đến các bước chốt cuối cùng. Lực cầu được cải thiện đáng kể, đặc biệt là tại các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực, có khả năng tạo dòng tiền từ việc cho thuê tại các địa phương được đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. CĐT vẫn tiếp tục áp dụng, triển khai thêm các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, hỗ trợ ân hạn gốc, lãi vay,… để kích cầu thị trường. Với Cơ quan quản lý Nhà nước, hoàn thành các dự thảo Luật liên quan theo đúng kế hoạch nhất là các quy định liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tiếp tục thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới với nội dung tác động trực diện tới các vấn đề còn tồn đọng. Chủ động điều tiết nguồn cung cho thị trường thông qua việc giao đất, cho thuê đất. Có các chính sách tạo cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng được thụ hưởng các ưu đãi về nhà ở, từng bước rút ngắn lệch pha cung cầu, thúc đẩy sức mua của người dân. Nghiên cứu, thành lập các quỹ hỗ trợ nhằm “bơm” tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp khỏe mua lại dự án để thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án. Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường BĐS, tăng cường quản lý và bám sát thị trường thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp để có những cơ chế, chính sách điều tiết thị trường một cách kịp thời, chính xác nhất.

Ngoài các nguồn vốn quen thuộc, cần có các cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn khác như quỹ đầu tư BĐS REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở… hay các kênh khác như đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngoại từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam khuyến cáo các CĐT/DN phát triển dự án, các sàn giao dịch BĐS, môi giới BĐS, khách hàng, nhà đầu tư song song với các biện pháp đảm bảo duy trì hoạt động như đã chia sẻ trước đó, cần chú ý chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để đảm bảo có thể ngay lập tức vào cuộc khi thị trường “bình thường trở lại”./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...