Thị trường carbon - Cơ hội lớn cho ngành gỗ
Với cam kết Net Zero carbon vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng, ngành gỗ vừa có cơ hội lớn lâu dài lại vừa có thách thức trước mắt.
Tại tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn: Từ thực tế đến chính sách” do Báo Tài Nguyên và Môi trường cùng Câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến Netzero carbon tổ chức ngày 27/11, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) đã chia sẻ góc nhìn về “Thị trường carbon - Cơ hội và thách thức đối với ngành gỗ Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, với cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng theo quy định chống phá rừng EUDR của Ủy ban châu Âu sẽ áp dụng vào cuối năm 2024, ngành gỗ vừa có cơ hội lớn lâu dài lại vừa có thách thức trước mắt.
Các diễn giả tham gia tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn: Từ thực tế đến chính sách” |
Về thuận lợi, ông Khanh cho rằng, ngành gỗ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho cho các vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông... Bên cạnh đó, gỗ không chỉ được sử dụng nhiều trong sản phẩm nội thất như trước đây, mà sẽ có cơ hội lớn trong nghành xây dựng với Mass Timber (gỗ cấu kiện lớn). Ngoài ra, vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo (renewable biomass energy), ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế. “Với khả năng phát thải âm, ngành công nghiệp gỗ và đặc biệt là lâm nghiệp có thể đạt lượng tín chỉ carbon để giao dịch bù đắp cho các ngành công nghiệp khác”- ông Khanh nhận định.
Như vậy, theo ông Khanh, cơ hội về tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Cụ thể, Việt Nam có 14,2 triệu hecta rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu hecta trừng trồng sản xuất. Ở hai khu vực rừng tự nhiên và trừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. “Vừa qua Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới (WB) do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng”- ông Khanh cho biết.
Ngành gỗ đứng trước nhiều cơ hội tham gia thị trường carbon |
Cũng theo ông Khanh, Việt Nam còn có cơ hội từ việc trồng rừng cho mục tiêu lấn biển, giữ đất ở khu vực biển phía Nam, Tây Nam từ Cần Giờ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang,... Riêng trong lĩnh vực chế biến gỗ, về cơ bản đây vẫn là ngành phát thải âm, nếu doanh nghiệp xây dựng được hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính, hệ thống giúp truy vết dấu chân carbon (carbon footprint), thì còn dư tín chỉ carbon để thương mại, có nguồn thu ngoài sản phẩm chính.
Tuy vậy, ông Khanh cũng chỉ ra một số thách thức. Đó là việc xây dựng nguồn nguyên liệu đủ và ổn định về khối lượng cả trong nước lẫn nhập khẩu để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm ngành công nghiệp gỗ; đồng thời bảo đảm các mục tiêu về bền vững môi trường trong nước và các cam kết toàn cầu của Việt Nam. Một thách thức khác là việc xây dựng hạ tầng quản trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp , người dân có thể tận dụng cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon.
Để ngành gỗ có thể tham gia thị trường carbon, ông Khanh cho đề xuất, ngoài việc có các chính sách pháp luật, rất cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho thị trường này. Cụ thể là một cơ sở hạ tầng về dữ liệu lâm nghiệp, nông nghiệp. “Cơ chế quản trị cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có thể truy xuất nguồn gốc, xác minh các giao dịch”- ông Khanh phân tích.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong việc thiết lập các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông - lâm nghiệp và tạo điều kiện cho các nền tảng truy xuất, xác minh, quản trị phát thải khí nhà kính sẽ đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí trung gian hành chánh. Từ đó, giúp doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi tối đa từ hiệu quả của thị trường tín chỉ carbon.
Cùng với các giải pháp trên, Nhà nước và các định chế ngân hàng, bảo hiểm cần vào cuộc để tạo ra cơ chế thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon.