Rốt ráo vào giai đoạn "nước rút" ôn thi tốt nghiệp
Thời điểm này các trường THPT đang chuẩn bị cho giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh khối 12.
Với nhiều giải pháp được đề ra, giáo viên cùng học sinh của các trường đều nỗ lực vượt khó, quyết tâm đạt kết quả cao.
Bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản
Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Theo chia sẻ của thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TPHCM, nhà trường đang tập trung cho quá trình học tập và ôn luyện của học sinh để các em có thể bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT.
Theo thầy Phước, Bộ GD&ĐT đã thông báo nội dung thi tốt nghiệp chủ yếu là lớp 12, nhưng các thầy, cô cũng giúp học sinh không quên các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình theo yêu cầu cần đáp ứng ở các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Trong khi đó, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, giáo viên bộ môn tiếp tục vừa dạy, vừa ôn tập cho học sinh lớp 12. Quan điểm của nhà trường là học sinh phải nắm chắc được các kiến thức cơ bản, giáo viên tuyệt đối không cắt xén chương trình.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM cho biết: Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và sở, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tập trung nghiên cứu cấu trúc đề thi để có phương pháp giảng dạy và ôn tập cho học sinh. Trong thời gian tới, Trường THPT Bùi Thị Xuân sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông tin tình hình học tập của học sinh, từ đó có kế hoạch ôn thi cho hiệu quả.
“Giáo viên trực tiếp tư vấn cho học sinh chọn bài thi phù hợp với sở trường, nguyện vọng của mình. Sau khi kết thúc năm học, trường sẽ dành thêm khoảng 4 tuần để tiến hành ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12”, cô Dung chia sẻ đồng thời cho biết: Ban Giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân đã chỉ đạo giáo viên bộ môn dựa trên kết quả học kỳ I để phân tích chất lượng từng học sinh, từ đó có kế hoạch và giải pháp củng cố những kiến thức còn thiếu hụt; giao cho từng giáo viên và học sinh tự đăng ký chỉ tiêu trong học kỳ II và Kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm động lực phấn đấu, khích lệ tinh thần tự học của học sinh ngoài giờ lên lớp; động viên giáo viên thích ứng với tình hình thực tế, chủ động và sáng tạo trong công tác ôn thi cho các em.
Tăng cường tư vấn, định hướng
Song song với việc truyền tải kiến thức cho học sinh, công tác tư vấn, định hướng cho các em trong giai đoạn “nước rút” cũng đóng vai trò quan trọng.
Theo thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TPHCM, thời điểm này, học sinh nên dành nhiều hơn thời gian để tìm hiểu thật kỹ đề án tuyển sinh chính thức của các trường đại học. Hiện nay, các trường đều công khai phương án tuyển sinh trên website.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ cũng hỗ trợ tối đa học sinh trong việc tìm hiểu thông tin, để các em tận dụng hiệu quả các phương thức xét tuyển của từng trường và đưa ra lựa chọn ngành nghề, trường phù hợp, gia tăng cơ hội trúng tuyển cho mình. Thầy Hải lấy ví dụ, vào thời điểm này, học sinh đã có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học bằng học bạ THPT với 3 học kỳ gần nhất. Đây là một trong những lựa chọn khá phổ biến của thí sinh trước ngưỡng cửa vào đại học, đặc biệt với những học sinh có lực học trung bình.
“Cuối tháng 3, thí sinh đã có thêm cơ hội xét tuyển bằng việc đăng ký và dự thi kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Với kết quả thi đánh giá năng lực, nếu khả quan các em có thể dùng để xét tuyển vào nhiều trường khác nhau. Hoặc ngay từ bây giờ, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng để sắp tới xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022”, thầy Hải chia sẻ.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong thời gian qua, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh, đồng thời cũng tạo áp lực đối với các em, nhất là học sinh khối 12, chuẩn bị tốt nghiệp. Các em bị thiệt thòi do không có cơ hội trực tiếp tham gia những chương trình tư vấn tuyển sinh, đi thực tế tại các trường đại học có đào tạo những ngành muốn xét tuyển.
Để khắc phục phần nào việc thiếu thông tin định hướng tuyển sinh đại học năm 2022, các trường tập trung hỗ trợ cho học sinh khối 12 tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp. Nhiều trường THPT đã “mở cửa” cho các trường đại học tranh thủ thời gian trống ở đầu hoặc giữa tiết học để giới thiệu ngành nghề cho học sinh. “Trường THPT Võ Thị Sáu hiện ưu tiên bố trí, sắp xếp giảng dạy cho học sinh theo chương trình vào buổi sáng và phụ đạo, bổ sung kiến thức còn thiếu hụt vào buổi chiều. Trong quá trình bổ sung kiến thức, nhà trường cũng chủ động tổ chức các chương trình tư vấn ngành nghề học cho học sinh”, thầy Phước chia sẻ.