A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Môn Nghệ thuật lớp 10: Trường học Thủ đô tìm nguồn tuyển

Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn Âm nhạc và Mỹ thuật chỉ dạy ở bậc tiểu học và THCS.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 môn học này được đưa vào bậc THPT, tình trạng thiếu giáo viên sẽ là bài toán khó giải đối với các nhà trường.

Trăn trở vị trí việc làm

Thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Nhà trường đang chuẩn bị cơ sở vật chất còn giáo viên vẫn được bồi dưỡng, tập huấn về SGK để dạy trong năm học tới. Cũng như các trường khác trên địa bàn thành phố, nhà trường cũng lường trước nhiều khó khăn sẽ gặp phải như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Đối với môn Nghệ thuật, từ trước đến nay các trường THPT chưa có giáo viên giảng dạy môn này. Được biết trong thời gian tới, sở GD&ĐT sẽ đề xuất thành phố tuyển giáo viên cho các trường. Tuy nhiên, thời gian triển khai chương trình đã cận kề, giáo viên khi tuyển xong sẽ có rất ít thời gian để tham gia tập huấn nên cũng là một trở ngại.

Trường hợp chưa có biên chế giáo viên, nhà trường sẽ hợp đồng với các giáo viên mỹ thuật, âm nhạc có trình độ đại học để triển khai chương trình mới. Căn cứ vào số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp môn học, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy đầy đủ các bộ môn.

“Cũng có thể tổ chức dạy các môn Nghệ thuật theo hình thức liên trường trong cụm, có nghĩa là các trường trong cụm sẽ hợp đồng với giáo viên để cùng dạy cho học sinh trường mình. Trong điều kiện có thể, trường sẽ cố gắng chuẩn bị tốt nhất; còn khi triển khai nếu phát sinh khó khăn cùng đề xuất, lắng nghe và tìm cách tháo gỡ”, thầy Dương Hai Bảy Mươi chia sẻ.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sẽ gặp khó khăn. Đưa ra thông tin trên, cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định: Đối với các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, khó khăn lớn nhất là nhà trường chưa có giáo viên trong biên chế.

Bởi vậy trong năm học tới, nhà trường sẽ sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp với điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, từ đó định hướng để học sinh lựa chọn các môn học mà nhà trường có thể đáp ứng. Nhà trường cũng có kế hoạch thuê giáo viên hợp đồng dạy các môn Nghệ thuật trong năm học tới. Sau khi nắm được số lượng nguyện vọng của học sinh và có đầy đủ đội ngũ giáo viên, nhà trường sẽ tiếp cận dần để triển khai chương trình một cách thuận lợi hơn.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Khắc Thuật - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) trăn trở vì rất khó kéo giáo viên giỏi về với “vùng sâu, vùng xa”. Nhiều giáo viên có trình độ sẽ không mặn mà với việc công tác tại trường xa trung tâm. Thêm vào đó, để hợp đồng thuê giáo viên cũng cần phải có cơ chế, hỗ trợ từ thành phố. Việc tuyển giáo viên nghệ thuật là tương đối khó với các trường ngoại thành có kinh phí còn eo hẹp.

Khó kéo giáo viên nghệ thuật về với các trường vùng khó. Ảnh minh họa

Cần đãi ngộ phù hợp

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu mỗi trường THPT trên cả nước bố trí một giáo viên âm nhạc và một giáo viên mỹ thuật thì tổng số giáo viên cần đào tạo và tuyển dụng bổ sung cho các nhà trường là 5.400 người, trong đó có 2.700 giáo viên âm nhạc, 2.700 giáo viên mỹ thuật.

Dựa trên căn cứ này, Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn mới. Các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật có nhiệm vụ thực hiện đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để dạy ở cấp THPT, đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Theo PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã tăng cường đào tạo giáo viên. Tuy vậy, tới thời điểm này, hơn 2.700 trường THPT vẫn trong tình trạng “trắng giáo viên”, trong khi việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 đã kề cận.

Có hai nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật hiện nay. Đó là do khó khăn về định biên. Cả nước hiện thiếu trên 94 nghìn giáo viên các môn học ở cấp học. Trong khi đó, theo lộ trình thực hiện việc giảm biên chế cơ quan sự nghiệp Nhà nước vẫn cần giảm hàng chục nghìn trường hợp mà chủ yếu trong ngành Giáo dục. Nguyên nhân khác là thiếu nguồn tuyển do nghệ thuật là bộ môn đặc thù.

Giải pháp trước mắt để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên là hợp đồng với giáo viên nghệ thuật trong thời gian chờ biên chế. Nhưng nguồn tuyển cũng thiếu. Việc thu hút người có năng khiếu vào học sư phạm nghệ thuật để dạy nghệ thuật là rất khó vì những người thực sự có năng khiếu, đam mê có thể đã chọn một ngành nghệ thuật khác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn Âm nhạc và Mỹ thuật cấp THPT, hiệu trưởng trường THPT có kế hoạch ký hợp đồng với giáo viên 2 môn này có trình độ đại học trở lên để bố trí dạy trong năm học 2022 - 2023. Sở cũng sớm đề xuất với thành phố để tuyển đầy đủ giáo viên đáp ứng với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường cũng tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức các chương trình liên thông vừa học vừa làm ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật. Về cơ bản, giáo viên sẽ đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất là chính sách đãi ngộ, tiền lương để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề. - TS Trần Thị Thu Hà (Phó Trưởng khoa Nghệ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...