Bài 4: Chuyển đổi số hộ kinh doanh - Từ chủ trương đúng đến hành động trúng
Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là công cụ quan trọng giúp hộ kinh doanh tiếp cận quản lý hiện đại, giảm chi phí, minh bạch hoạt động và từng bước chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu triển khai thiếu truyền thông rõ ràng, chính sách đúng cũng có thể bị hiểu sai. Để chủ trương đúng trở thành hành động hiệu quả, ngành Thuế cần lắng nghe thực tiễn, phân loại hộ kinh doanh theo quy mô, và thiết kế công cụ quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Loạt bài: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững
Ông Mai Sơn.
Ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hộ kinh doanh "số hóa"
Ngành Thuế đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu này là đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử và các công cụ kê khai thuế qua thiết bị điện tử thông minh. Những giải pháp này không chỉ giúp hộ kinh doanh tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn tạo điều kiện để họ làm quen với phương thức quản lý hiện đại.
Từ khi chính thức triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào năm 2022, ngành Thuế đã ghi nhận những kết quả tích cực. Nhiều hộ kinh doanh đã chủ động thực hiện khai, nộp thuế qua phương thức điện tử một cách thuận lợi. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đơn giản hơn, như ứng dụng di động dành cho hộ kinh doanh có doanh thu thấp, giúp họ dễ dàng tiếp cận và thực hiện nghĩa vụ thuế mà không gặp trở ngại về kỹ thuật hay chi phí.
Song song với việc ứng dụng công nghệ, ngành Thuế cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Cục Kinh tế tư nhân (Bộ Tài chính) để rà soát và điều chỉnh khái niệm “hộ kinh doanh” theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, mô hình hộ kinh doanh được hiểu là cá nhân kinh doanh – tương đương doanh nghiệp siêu nhỏ, chứ không phải là một loại hình riêng biệt như tại Việt Nam hiện nay. Cách tiếp cận này sẽ giúp chính sách thuế ngày càng sát thực và phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh.
Về phương pháp tính thuế, thay vì cách tính khoán cứng dựa trên doanh thu như trước, cơ quan thuế đang nghiên cứu xây dựng cơ chế xác định tỷ suất lợi nhuận bình quân theo từng ngành nghề. Tỷ suất này sẽ được kết hợp với thuế suất thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng để đưa ra mức thuế hợp lý, bảo đảm tính công bằng, minh bạch giữa các hộ kinh doanh.
Thời gian tới, nhiều hội thảo chuyên đề sẽ được Cục Thuế tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, nhà báo và đại diện hiệp hội doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến đóng góp. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chính sách thuế đối với hộ kinh doanh vừa hiệu quả, hiện đại, vừa tạo điều kiện cho phát triển bền vững, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và sự vận động không ngừng của nền kinh tế.
Ông Hoàng Quang Phòng.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Nghị định 70/2025/NĐ-CP: Đòn bẩy thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi số và minh bạch hóa hoạt động thuế
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP được xem là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ tạo nền tảng pháp lý mà còn góp phần thay đổi tư duy quản lý kinh doanh của hộ và cá nhân kinh doanh. Nghị định mở ra cơ hội để nhóm đối tượng này chủ động tiếp cận công nghệ, từ đó tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả lợi nhuận.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị định là lộ trình chuyển đổi phương pháp tính thuế. Thay vì áp dụng cơ chế khoán như trước, hộ kinh doanh sẽ từng bước thực hiện kê khai thuế từ ngày 1/1/2026. Đây là bước đi phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong quá trình chuyển đổi, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đóng vai trò then chốt. Hình thức hóa đơn này không chỉ giúp minh bạch hóa giao dịch, tiết kiệm chi phí in ấn và lưu trữ, mà còn hỗ trợ người nộp thuế quản lý công việc một cách khoa học. Họ có thể dễ dàng tra cứu thông tin, theo dõi doanh thu, nâng cao uy tín với khách hàng và từng bước tiếp cận phương thức quản trị hiện đại.
Với quyết tâm cao từ ngành Thuế, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh, có cơ sở để tin tưởng rằng việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền sẽ thành công. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tăng tính minh bạch, hình thức này còn giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo thuận lợi rõ rệt cho người nộp thuế trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng số hóa.
Bà Lê Thị Duyên Hải.
Bà Lê Thị Duyên Hải - Phó Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế Việt Nam:
Triển khai hóa đơn từ máy tính tiền: Đúng chủ trương, cần đúng cách
Việc ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài. Đây không chỉ là bước tiến trong quản lý thuế mà còn góp phần quan trọng trong hiện đại hóa hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Việc lựa chọn ngưỡng doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên để áp dụng trước nhằm tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh theo phương pháp khoán từng bước làm quen với việc ghi chép, quản lý bán hàng và quản trị tài chính. Đây là cách tiếp cận mềm dẻo, có tính “tập dượt”, giúp các hộ chuẩn bị tâm thế chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Qua đó, chúng ta từng bước mở rộng quy mô khu vực doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp trong tương lai, đồng thời giúp chính các hộ kinh doanh kiểm soát hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định do người dân hiểu chưa đúng, chưa đủ, dẫn đến tâm lý e ngại. Vì vậy, công tác truyền thông chính sách cần được triển khai theo hướng rõ ràng, chính xác và phân loại cụ thể theo từng nhóm đối tượng. Hộ khoán, hộ kê khai, hộ kinh doanh nhỏ, hay hộ có mô hình kinh doanh lớn đều có đặc thù riêng, cần có cách tiếp cận phù hợp.
Song song với truyền thông, cũng cần rà soát lại các chính sách thuế, chế độ kế toán và thủ tục hành chính để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và công bằng. Hiện nay, hộ khoán được quản lý khá đơn giản, an toàn. Nhưng với hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai – đặc biệt là những hộ có quy mô lớn hơn, hoạt động đa dạng và phức tạp – thì cần có cơ chế kế toán, quản lý tương xứng.
Việc phân loại mô hình, quy mô và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh là hết sức cần thiết. Với những hộ chỉ thực hiện hoạt động mua vào – bán ra đơn giản, thì chỉ cần ghi chép sổ thu chi là đủ, không nên áp dụng hệ thống kế toán phức tạp hay yêu cầu quá nhiều loại tờ khai, phụ lục. Ngược lại, với các hộ có chuỗi cửa hàng, kết hợp sản xuất – bán lẻ, hoặc hoạt động đa ngành nghề, thì việc áp dụng chế độ kế toán chi tiết hơn là hoàn toàn phù hợp.