Dự thảo Quy chế tuyển sinh: Công bằng và minh bạch
Theo các chuyên gia, dự thảo Quy chế tuyển sinh được Bộ GD&ĐT công bố đáp ứng được các vấn đề cốt lõi như: Công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội.
Giảm vất vả
Tán thành với nhiều điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) – tâm đắc: Trong dự thảo này, thí sinh được coi là nhân vật trung tâm. Vì thế, nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh là bảo đảm công bằng đối với các em. Theo đó, không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng có quy định riêng); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém. Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.
Theo TS Lê Xuân Thành, một trong những điểm nhấn của dự thảo Quy chế tuyển sinh là, quy định về tổ chức thi tuyển sinh. Theo đó, các kỳ thi phục vụ xét tuyển do cơ sở đào tạo tự tổ chức, hoặc do một nhóm cơ sở đào tạo hợp tác tổ chức và giao một cơ sở đào tạo chủ trì phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, đề thi, đề án tổ chức thi; đặc biệt phải ban hành được Quy chế thi.
“Dự thảo cũng cho phép cơ sở đào tạo tổ chức thi theo hình thức trực tuyến. Đây là quy định mở, nhằm đáp ứng với thực tiễn khách quan và phù hợp với xu hướng công nghệ số. Tuy nhiên, để tổ chức thi trực tuyến, cơ sở đào tạo phải thực hiện đầy đủ biện pháp để bảo đảm kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với hình thức thi trực tiếp, đồng thời toàn bộ diễn biến của buổi thi được ghi hình, ghi âm và lưu trữ” - TS Lê Xuân Thành nhấn mạnh.
Ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh 2022, GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh – bày tỏ: Trước đây, nhà trường và thí sinh rất vất vả trong việc nộp hồ sơ học bạ để xét tuyển. Nếu như năm trước, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng với đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Sau khi biết điểm thi, các em lại được điều chỉnh nguyện vọng nên cả cơ sở đào tạo và thí sinh đều vất vả.
Năm nay, Bộ dự kiến khi thi xong tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ có 1 đợt để đăng ký xét tuyển và bằng phương thức trực tuyến. Điều này thuận lợi cho các trường và thí sinh. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh cũng nằm trong chiến lược chuyển đổi số giáo dục; qua đó góp phần đơn giản hóa các khâu trong công tác tuyển sinh. “Nhìn chung, chúng tôi đánh giá cao chủ trương của Bộ trong công tác tuyển sinh năm nay” - GS.TS Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.
Thí sinh nên tập dượt trước ở nhà
Chia sẻ tại Chương trình tư vấn tuyển sinh “Bí quyết trúng tuyển đại học: Nộp hồ sơ xét tuyển, những sai lầm cần tránh”, ThS Trần Hải Nam - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh (Trường ĐH Công nghệ TPHCM) – trao đổi: Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến nên thầy, cô giáo không thể hỗ trợ thí sinh như những năm trước khi đăng ký bằng phiếu. Hơn nữa, thời gian đăng ký xét tuyển là khi thí sinh đã thi xong tốt nghiệp THPT nên vai trò của các trường THPT đối với thí sinh sẽ khác so với thời điểm thí sinh chưa thi tốt nghiệp.
Vì vậy, thí sinh nên tập dượt trước ở nhà và hỏi thầy cô ở trường THPT hoặc các trường ĐH (nếu chưa rõ). Lưu ý, nếu như năm trước chỉ có chung mã ngành, nhưng năm nay các phương thức xét tuyển sẽ có một mã ngành riêng và tùy theo từng trường sẽ có sự sắp xếp phù hợp.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), ngoài một số điểm mới được Bộ thông tin tại Hội nghị tuyển sinh năm 2022, dự thảo Quy chế tuyển sinh quy định các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, với 3 nội dung cốt lõi: Công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội. Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh thành một điều riêng.
Theo đó, ngoài yếu tố công bằng với thí sinh, để có sự bình đẳng giữa cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường cạnh tranh trung thực, công bằng và lành mạnh trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Để minh bạch với xã hội, cơ sở đào tạo có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước cùng giám sát; có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mỗi cơ sở đào tạo thực hiện tất cả biện pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh; tuyển chọn được những thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp nhất với yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo. Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ GD&ĐT nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo và của toàn hệ thống.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – khẳng định, những điều chỉnh mới trong Quy chế tuyển sinh 2022 theo hướng có lợi nhất cho thí sinh và đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Thay vì lo lắng, thí sinh nên tập trung ôn tập thật tốt để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Các em xác định theo phương thức tuyển sinh nào thì hãy kiên trì theo đuổi.