A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh; thí sinh thi lại đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực

Sở GD-ĐT Hà Nội đang đề xuất, xin ý kiến của Bộ GD-ĐT cùng UBND thành phố về việc lùi thời gian kết thúc năm học; Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022 với nhiều điểm mới so với các năm trước.

Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh phổ thông

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh phổ thông - Ảnh 2.

Sở GD-ĐT Hà Nội đang đề xuất, xin ý kiến của Bộ GD-ĐT cùng UBND thành phố về việc lùi thời gian kết thúc năm học

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang đề xuất và chờ ý kiến của Bộ GD-ĐT cùng UBND TP Hà Nội về việc cho phép học sinh toàn thành phố lùi thời gian kết thúc năm học.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định về khung thời gian năm học của UBND TP phê duyệt, các trường kết thúc năm học trước ngày 31/5, trong đó có 2 tuần dự phòng.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà trường nhận thấy cần thiết, có thể tận dụng khoảng thời gian 2 tuần cuối năm học để bù đắp, củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh đảm bảo, từ lớp 1-11 kết thúc năm học chậm nhất là 31/5.

"Riêng học sinh lớp 12, các nhà trường kéo dài năm học hơn nhằm cho học sinh ôn tập, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc kéo dài thời gian năm học bao lâu, phụ thuộc các trường để các đơn vị chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trước tình hình năm học vừa qua học sinh trên toàn thành phố Hà Nội học trực tuyến kéo dài, do vậy Sở GD-ĐT đề xuất lùi thời gian kết thúc năm học so với dự kiến để các em có thêm thời gian ôn tập", lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội cho hay.

Thí sinh thi lại đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh; thí sinh thi lại đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực - Ảnh 3.

Tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ có một số điểm mới

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022 với nhiều điểm mới so với các năm trước.

Theo dự thảo, dự kiến điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực. Mức điểm cộng ưu tiên giữ nguyên (khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm).

Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).

Bên cạnh đó, năm nay có sự thay đổi về quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Nếu như ở năm học trước, việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển cùng thời điểm dưới 2 hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thì năm nay, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, việc đăng ký này diễn ra 1 lần và điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng thời gian nhất định.

Năm 2022, việc đăng ký dự thi và xét tuyển sẽ được thực hiện theo một phương thức là trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và cổng dịch vụ công quốc gia. Dù các nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức nào thì đều cùng một hệ thống.

Việc sắp xếp nguyện vọng sẽ theo thứ tự ưu tiên, không giới hạn số lượng nguyện vọng mà thí sinh mong muốn đăng ký. Sau đó hệ thống sẽ lọc ảo chung.

Với các trường tổ chức xét tuyển sớm, yêu cầu cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Cũng theo dự thảo, các trường không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).

Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.

Dự kiến, điểm học tập THPT được cập nhật trên toàn bộ hệ thống. Thí sinh không cần phải photo công chứng hồ sơ, trường THPT không phải xác nhận hồ sơ xét tuyển mà chỉ cần kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành.

Việc xác nhận nhập học của thí sinh phải được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống.

Trong trường hợp cơ sở đào tạo quy định thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức khác (qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc có thể kết hợp trong quy trình nhập học), cơ sở đào tạo phải thực hiện việc xác nhận nhập học cho thí sinh trên hệ thống.

Đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định: Nếu không có lý do chính đáng thì coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo thì không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Hai kịch bản phòng dịch COVID-19 của Việt Nam có thể triển khai thời gian tới

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh phổ thông - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn

"Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao người cao tuổi, người có bệnh nền...", báo SK&ĐS dẫn lời Cục trưởng Cục Y tế Phan Trọng Lân.

Kịch bản thứ 2, GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, đến nay hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.

Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng. Với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

Ngày 14/4: Có 23.012 ca COVID-19 mới; số khỏi bệnh gấp gần 4 lần số mắcNgày 14/4: Có 23.012 ca COVID-19 mới; số khỏi bệnh gấp gần 4 lần số mắc

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho biết có 23.012 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành; Số ca khỏi nhiều gấp gần 4 lần số mắc mới.

Đón lễ 30/4 - 1/5, khách sạn đã được đặt kín phòng

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh phổ thông - Ảnh 4.

Đoàn du khách Mỹ đầu tiên trở lại Hội An sau đại dịch vào ngày 5/4

Sau thời gian mở cửa lại du lịch, nhiều khách sạn ở Quảng Nam đã giảm giá, tặng nhiều khuyến mãi cho khách. Một số resort đã được khách đặt kín phòng trước cho dịp lễ 30/4.

Giám đốc Truyền Thông &Tiếp Thị Anantara Hoi An Resort (TP Hội An, tỉnhQuảng Nam) Kate Jones chia sẻ: "Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, resort đã tiếp nhận 200 – 250 lượt khách mỗi ngày. Công suất phòng 70-95%, tương đương với 75-90 phòng, ngày cao điểm nhất là 10/4".

Số lượng khách đợt này chủ yếu đến từ nguồn khách trong nước, phần nhiều đến từ các khu vực phía Bắc, bà Kate cho hay. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng cũng nhận được nhiều lượt khách không lưu trú hoặc khách địa phương đến dùng dịch vụ nhà hàng cho các sự kiện ẩm thực...

TP.HCM không có ca tử vong do COVID-19 trong 7 ngày liên tiếp

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh; thí sinh thi lại đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực - Ảnh 7.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, tại họp báo (Ảnh: T.N.).

Chiều 14/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh, TPHCM đã đạt nhiều kết quả khả quan cả trong phòng, chống dịch bệnh và những hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo, cho biết, trong 24 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 848 ca mắc COVID-19 mới. So với những ngày trước đó, số ca mắc mới trên địa bàn có dấu hiệu tăng nhẹ.

Ngành y thành phố đang điều trị cho 1.019 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, 85 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày, các bệnh viện ghi nhận 108 người cần điều trị, 222 người được điều trị khỏi, xuất viện.

Thành phố không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày 13/4. Như vậy, từ ngày 7/4 đến nay, thành phố trải qua 7 ngày liên tiếp không có người tử vong vì COVID-19.

Cục trưởng Hàng không nói về đề xuất tăng giá vé máy bay

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh; thí sinh thi lại đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực - Ảnh 8.

Giá vé máy bay được đề xuất tăng do giá nhiên liệu tăng

Bên lề hội nghị tổng kết an toàn giao thông toàn quốc sáng 14/4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không VN cho biết, trước thực tế giá nhiên liệu Jet A1 tăng 130 USD mỗi thùng (gần gấp đôi năm 2021), Cục Hàng Không đã đề xuất "nới" giá trần giá vé máy bay để tháo gỡ một phần khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang phải chịu lỗ lớn.

Trước lo ngại tăng giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, ông Thắng cho biết việc tăng giá vé máy bay không ảnh hưởng đến lạm phát.

Ông Thắng cho hay, mức giá được đề xuất không tăng nhiều so với giá trần hiện nay (tăng bình quân 3,7%), tương đương mức trần đã áp dụng vào năm 2015. Cục Hàng không cũng đã tính toán giá trần để bảo vệ quyền lợi của hành khách, đảm bảo chính sách vĩ mô của nhà nước để chống lạm phát, tăng giá.

Về lo ngại việc "nới" giá trần sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng giá vé trong dịp cao điểm 30/4-1/5 tới đây, Cục trưởng Hàng không cho rằng, trong dịp cao điểm, giá vé bình quân không thể đạt mức trần, chỉ đạt 60% con số này. Các hãng bay có nhiều dải giá vé, không hãng nào chỉ bán loại vé theo giá trần. Vì thế để tiếp cận giá hợp lý thì hành khách nên mua vé sớm còn nếu quyết định mua vào sát ngày đi, giá vé rất cao.

Theo kiến nghị của Cục Hàng không với Bộ GTVT về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa mới đây, giá vé bay có mức tăng từ 2,2 đến 6,6% tùy theo các chặng bay.

Cụ thể, đối với cự ly từ 500 đến 850km, giá trần hiện là 2,2 triệu thì mức đề xuất mới là 2,25 triệu đồng (tăng 2,2%); cự ly từ 850 đến 1.000km, giá hiện 2,79 triệu, mức đề xuất tăng 2,89 triệu (tăng 3,5%); cự ly từ 1.000 đến 1.280km, giá trần hiện là 3,2 triệu, mức đề xuất là 3,4 triệu (tăng 6,2%); cự ly từ 1.280km trở lên giá trần hiện 3,75 triệu, mức đề xuất tăng lên 4 triệu đồng (tăng 6,6%).

Hiện nay giá trần vé máy bay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9/2015, khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm, Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.

Ông Thắng cho biết, dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng hành khách đi đường hàng không dự kiến tăng 25-30% so với ngày thường, đạt khoảng 90-95% cùng kỳ năm trước. Các hãng bay đã dự kiến bố trí gần 1.000 chuyến bay trong dịp cao điểm này. Cục cũng theo dõi hàng ngày việc mua bán vé, các hãng sẽ đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của hành khách.

Dịch vụ karaoke ở Hải Dương được phép hoạt động trở lại

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành công văn về việc cho phép một số hoạt động không thiết yếu hoạt động trở lại.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, cá nhân được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: karaoke, quán bar, vũ trường, internet, massage… trên địa bàn tỉnh Hải Dương được hoạt động trở lại từ ngày 14/4/2022, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn Hải Dương phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19 theo quy định của cơ quan y tế tại nơi tổ chức các hoạt động.

Công văn nêu rõ: Người tham gia chỉ đạo, điều hành, phục vụ các hoạt động trên phải tiêm đủ liều vaccine theo quy định của Bộ Y tế hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.

Mọi thành phần tham gia các hoạt động trên khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như: ho, sốt, khó thở, mất khứu giác…. , yêu cầu dừng tham gia các hoạt động và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn. Phải thông báo bằng văn bản quy mô, số lượng người tham gia và gửi UBND các phường, xã, thị trấn, cơ quan có thẩm quyền trước khi diễn ra các hoạt động trên.

Gần 200 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đầu tiên ở Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19

Tin sáng 15/4: Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh phổ thông - Ảnh 5.

Sau lễ phát động sáng 14/4, gần 200 học sinh khối lớp 6 của trường THCS Trần Quốc Toản, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Sáng 14/4, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022" và phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVD-19 cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ngay sau lễ phát động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết