A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ GD&ĐT lý giải Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình GDPT 2018 cấp THPT

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ học theo chương trình mới, được tự chọn nhiều môn học thay vì tất cả đều là môn học bắt buộc như hiện nay. Trong đó, Lịch sử là một trong các môn được tự chọn.

Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404 ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Quyết định cũng quán triệt các yêu cầu nói trên: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên.

Bộ GD&ĐT lý giải Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình GDPT 2018 cấp THPT
Môn Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình GDPT 2018 cấp THPT

Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp; Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung còn có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn”.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình GDPT năm 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong chương trình này, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống. Chương trình GDPT 2018 có sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học.

Cụ thể với môn Lịch sử, ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9). Nội dung chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp trung học cơ sở tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp trung học cơ sở.

Giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).

Bên cạnh đó, trong chương trình GDPT tổng thể còn dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến đến 12.

Với cách bố trí như vậy môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...