Mục tiêu năm 2025 có 50% cơ sở đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử
Tại hội thảo Đào tạo thương mại điện tử 2023, VECOM cho biết, mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử.
Cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học
Sáng 5/12, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Hội thảo đào tạo thương mại điện tử 2023. Tại hội thảo, VECOM đã công bố Báo cáo về đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo được xây dựng từ số liệu khảo sát của 238 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, từ tháng 8 - 10/2023.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, báo cáo này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) thuộc Bộ Công Thương. Nhiều trường đại học trên cả nước, đặc biệt là các trường thành viên của Mạng lưới các trường đào tạo thương mại điện tử (VecomNet) đã tích cực cung cấp thông tin.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Từ năm 2022, VECOM đặt ưu tiên cao trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học triển khai hoạt động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử.
Cuộc khảo sát từ tháng 8 - 10/2023 tại 238 cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là trường đại học) không thuộc khối Quốc phòng – An ninh, Nghệ thuật hoặc đặc thù cho thấy, đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122.
Đại diện VECOM cho biết, nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu đến hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi.
Nhấn mạnh về vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển thương mại điện tử hiện nay, chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 645/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để có được bức tranh toàn diện về công tác đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2023, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hơp với các cơ quan, tổ chức và các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện khảo sát hoạt động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử tại 238 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước và đã hoàn tất Báo cáo đào tạo thương mại điện tử năm 2023 với chủ đề "Những bước tiến nổi bật".
PGS.TS Phạm Thu Hương cũng đánh giá cao báo cáo đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo đã cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng về hiện trạng đào tạo thương mại điện tử 2023 trong các trường đại học.
PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương |
Báo cáo đã nêu bật nhiều khó khăn trong hoạt động này và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt mục tiêu gắn đào tạo với thực tiễn.
"Tôi đánh giá rất cao việc VECOM phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng Báo cáo đào tạo thương mại điện tử 2023" - PGS.TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh.
Đào tạo thương mại điện tử phát triển từ quy mô sang chất lượng
Báo cáo về đào tạo thương mại điện tử 2023 đã chỉ ra, có thể nhận thấy hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học đã bước từ giai đoạn phát triển quy mô sang giai đoạn thiên về chất lượng.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản chính sách và pháp luật về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử cũng như về chuẩn chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo được ban hành trong vài năm gần đây đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự chuyển đổi này.
Theo VECOM, hiện nay, chính sách và pháp luật bước đầu tạo thuận lợi cho đào tạo thương mại điện tử, tuy nhiên, việc triển khai các văn bản chính sách và pháp luật này chưa đủ mạnh mẽ. Một phần do chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, các trường đại học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng chưa nắm vững các chủ trương và quy định đã ban hành. Sự hợp tác giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo.
Do đó, để nâng cao chất lượng về đạo tạo thương mại điện tử và phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra, VECOM kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra, giám sát hàng năm và công bố công khai những trường chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này.
Đặc biệt, trong khi chưa có chuẩn chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử, VECOM có một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, pháp luật liên quan tới thương mại điện tử là nội dung không thể thiếu trong kinh doanh trực tuyến. Những trường nào chưa có học phần này trong chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử nên nhanh chóng bổ sung. Những trường nào coi đây là học phần tự chọn cần chuyển sang bắt buộc.
Các đại biểu tham dự hội thảo về đào tạo thương mại điện tử |
Thứ hai, kinh doanh trực tuyến không thể tách rời tiếp thị số (digital marketing), thanh toán trực tuyến (digital payment) và e-Logistics. Chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử nên có các học phần liên quan với số tín chỉ hợp lý.
Thứ ba, đào tạo ngành thương mại điện tử tại các trường đại học cần có sự khác biệt với đào tạo ngành này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như các trường cao đẳng, trường trung cấp hay trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Cử nhân ngành thương mại điện tử cần được đào tạo để có đủ năng lực và khát vọng khởi nghiệp kinh doanh số.
Thứ tư, chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử của mỗi trường nên có sự độc đáo, khác biệt với các trường khác và gắn với thế mạnh của trường mình. Các trường có thế mạnh về kinh tế - thương mại quốc tế thì chương trình đào tạo nên tăng cường các môn học ngoại ngữ, thanh toán quốc tế, hải quan, xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới (cross-border ecommerce). Các trường mạnh về kinh tế - thương mại trong nước có thể chú trọng môn học về social commerce, e-Logistics, môi trường…
Thứ năm, các trường đại học nên nhanh chóng công bố công khai chương trình đào tạo nói chung và ngành thương mại điện tử nói riêng. Đây là nghĩa vụ đã được pháp luật quy định rõ ràng. Đồng thời, việc công khai này giúp cho các trường dễ dàng tham khảo được chương trình đào tạo của nhau, từ đó sửa đổi để tạo ra sự đặc sắc, khác biệt của trường mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh khi tuyển sinh đầu vào và hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm.