Giảm áp lực thi riêng
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 cho khoảng 3 nghìn thí sinh.
Ảnh minh họa ITN. |
Kỳ thi mở màn cho các kỳ thi riêng trong mùa tuyển sinh 2024. Theo kế hoạch, đơn vị dự kiến tổ chức 5 đợt nữa.
Trước đó, Đại học Quốc gia TPHCM công bố thông tin kỳ thi đánh giá năng lực 2024 được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và 6/2024. Còn kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thành 6 đợt vào các tháng 3, 4, 5, 6/2024. Ngoài 3 kỳ thi này, năm 2024 nhiều trường đại học khác đang lên kế hoạch cho những kỳ thi riêng, như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội…
Việc tổ chức các hình thức khác nhau để đánh giá năng lực học sinh, phục vụ tuyển sinh là xu hướng chung của nhiều trường đại học trên thế giới. Tại Việt Nam, thực hiện Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường được quyền cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức kỳ thi riêng.
Thời gian qua, kỳ thi riêng, đặc biệt là kỳ thi do 2 đại học quốc gia tổ chức, đã mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh, giúp các em tăng cơ hội trúng tuyển vào trường/ngành yêu thích. Đề thi thực hiện theo hướng đánh giá năng lực, đã góp phần tác động tích cực trong việc đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, việc nhiều kỳ thi riêng diễn ra chủ yếu trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đồng thời tăng thêm áp lực cho học sinh. Mục đích, yêu cầu của các kỳ thi riêng khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm cũng khác. Thế nhưng không ít thí sinh “ôm đồm” nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển, thậm chí có em đăng ký dự thi nhiều đợt của một kỳ thi.
Giáo viên nhiều trường THPT cho biết có tình trạng học sinh phải phân chia thời gian ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy mà lơ là Kỳ thi tốt nghiệp THPT, và thực tế có em bị điểm liệt thi tốt nghiệp cho dù trước đó đậu kỳ thi đánh giá năng lực.
Được thiết kế theo hướng kiểm tra kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề, các kỳ thi riêng thường đòi hỏi kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực. Những đơn vị tổ chức thi đều cho biết thí sinh không cần luyện thi, học tủ, bản thân đơn vị cũng không lập trung tâm luyện thi.
Thế nhưng do kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, độ phủ kiến thức rộng, nên nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tìm cách “đánh” vào nhu cầu có điểm cao của thí sinh bằng cách chào bán khóa luyện, thậm chí “bao đậu” điểm tốp này, tốp kia, tạo nên thị trường luyện thi khá rộn ràng. Tình hình này khiến dư luận xã hội lo ngại về sự tăng áp lực cho thí sinh, tốn kém chi phí dạy thêm học thêm và thiệt thòi của những học trò yếu thế không có điều kiện ứng thí thi riêng.
Xu hướng của ngành Giáo dục là hướng tới giảm áp lực thi cử. Từ năm 2025, với sự thay đổi cách thi, số môn thi tốt nghiệp, xu thế tuyển sinh chung các trường đại học, cao đẳng sẽ dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực. Vì vậy cần thiết gia tăng giá trị tích cực và tập trung khắc phục điểm hạn chế của các kỳ thi riêng hiện nay, đặc biệt cần có giải pháp hạn chế áp lực thi cử.
Cùng với việc các đơn vị tổ chức thi phải sớm rà soát ngân hàng câu hỏi phù hợp chương trình mới, trường phổ thông cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác dạy học, kiểm tra đánh giá, đặc biệt cần tăng cường truyền thông về các kỳ thi riêng đến thí sinh.
Về lâu dài, thành lập các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi đánh giá năng lực quanh năm, giảm áp lực thi cử trước kỳ thi tốt nghiệp, học sinh vùng sâu, xa cũng thuận lợi dự thi, không phải di chuyển tốn kém lên thành phố.