Ca sĩ Linh Nguyễn cùng nhiều nghệ sĩ miền Bắc thành kính dâng hương Tổ nghề sân khấu
Đến ngày 11 và 12 tháng 8 âm lịch hàng năm, các thế hệ nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lại quần tụ bên bàn thờ Tổ, để cùng hướng lòng tưởng nhớ và tri ân công đức của các vị Tổ nghiệp đã có công vun bồi, để lại cho đời sau di sản quý báu, đó là nghệ thuật Sân khấu dân tộc Việt Nam.
Cứ đến ngày 11 và 12 tháng 8 âm lịch hàng năm, các thế hệ nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lại quần tụ bên bàn thờ Tổ, để cùng hướng lòng tưởng nhớ và tri ân công đức của các vị Tổ nghiệp đã có công vun bồi, để lại cho đời sau di sản quý báu, đó là nghệ thuật Sân khấu dân tộc Việt Nam.
Với những người làm sân khấu, ngày giỗ Tổ nghề có ý nghĩa tâm linh rất lớn và vô cùng quan trọng. Đó là sự tri ân với các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu, đồng thời, đây cũng là dịp để các thế hệ nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với nhau để gắn bó hơn – điều mà ngày thường vì áp lực công việc, thời gian nên các nghệ sĩ rất khó có cơ hội để thực hiện.
Vào ngày này, các nghệ sĩ thường trở về nhà hát, sân khấu nơi mình đã trưởng thành để dự lễ giỗ Tổ nghề nhưng cũng có nghệ sĩ chọn không khí ấm cúng, giản dị là tổ chức tại tư gia.
Hôm qua, nhiều địa điểm sân khấu cả nước, các nghệ sĩ đã tụ hội trong các sự kiện giỗ Tổ nghề vô cùng rực rỡ. Tại TP HCM có nhiều địa điểm tổ chức nhưng thu hút nhiều nghệ sĩ nhất là Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM vào tối 24/9. Tại đây có 300 nghệ sĩ đã đến dâng hương tri ân Tổ nghề và cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân cùng ngành sân khấu.
Tại Hà Nội, trong hai ngày 25 và 26 có khá nhiều nhà hát, địa điểm tổ chức, như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Chèo Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô…
Cùng với các hoạt động này, nhiều nghệ sĩ thờ Tổ nghề tại tư gia nên tự tổ chức riêng. Tuy quy mô không bằng các nhà hát nhưng lại mang đến không khí nhẹ nhàng, ấm cúng.
Nhiều năm nay, ca sĩ Linh Nguyễn thường xuyên tổ chức giỗ Tổ tại nhà riêng. Anh cho biết: "Tôi thờ Tổ từ khi bắt đầu vào nghề năm 1997, tính đến nay đã được 26 năm. Mỗi năm đến ngày này, tôi cũng như các anh chị em nghệ sĩ đều vô cùng háo hức, thành tâm hướng về Tổ với lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội mà sáng tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo. Ngoài ra, đây cũng là dịp để chúng tôi tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn nghệ sĩ, bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam".
Anh quan niệm, giỗ Tổ là nghi thức tại tâm, cốt ở lòng thành nên Linh Nguyễn không tổ chức rộng rãi, chỉ mời những nghệ sĩ thân tình nơi anh công tác là Nhà hát Chèo Hà Nội, những người bạn nghệ sĩ thân thiết, như NSƯT Thu Hằng, nghệ sĩ trẻ Hồng Thắm, Huyền Trang, Mai Trang, Lê Đạt, ca sĩ – MC Quang Hồng, Quang Trường…
Giỗ Tổ nghề cũng là dịp hiếm hoi nghệ sĩ được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau, hưởng lộc Tổ nghề và cầu mong các sân khấu luôn luôn sáng đèn để nghệ sĩ có nhiều cơ hội làm nghề, phục vụ khán giả nhiều hơn.
Ca sĩ Linh Nguyễn cùng các nghệ sĩ thành tâm dâng hương Tổ nghề