A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng địa đạo Phú Thọ Hòa trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Ngày 4/8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đi khảo sát tại địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú). Đây một công trình đầy sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Lộc Hòa, Phú Thọ (cũ), hiện là một trong những di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của TP Hồ Chí Minh.

Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Tiền thân của địa đạo Phú Thọ Hòa là những chiếc hầm bí mật, nhất là hầm ếch. Loại hầm này vẫn có nắp đậy nghi trang, có ngách và lỗ thông hơi. Là loại hầm ngõ cụt nên nó có nhược điểm là khi bị địch phát hiện thì không có đường thoát.

Do yêu cầu của cuộc kháng chiến từ những đặc điểm loại hầm ếch, Nhân dân Lộc Hòa đã cải tiến hầm ếch thành đường hầm xe lửa 2 ngăn. Tuy nhiên qua thời gian nhận thấy loại hầm này không được an toàn nên các đồng chí lãnh đạo xã quyết định phát triển hầm xe lửa hai ngăn thành hệ thống địa đạo liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu… Chiều dài địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10 cây số.

Du khách trải nghiệm địa đạo Phú Thọ Hòa (Ảnh: TL)
Du khách trải nghiệm địa đạo Phú Thọ Hòa (Ảnh: TL)

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, địa đạo Phú Thọ Hòa che giấu hàng ngàn cán bộ, du kích, bộ đội như: Chi đội 12, Tiểu đoàn Ký Con, Tiểu đoàn Ngô Gia Tự, Chi đội 13 và nhiều Ban Công tác thành… đồng thời là cái nôi bảo đảm cho nhiều cán bộ quân dân chính đảng các cấp về dừng chân hoạt động tại đây.

Có thể nói địa đạo chiến Phú Thọ Hòa ra đời chính từ lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân Phú Thọ Hòa, nhằm bám trụ đánh địch, xây dựng cơ sở bí mật làm căn cứ cho các đơn vị võ trang trú ẩn, cũng là nơi xuất phát của những trận đánh lớn nhỏ vào đồn bót, sào huyệt của địch.

Năm 1985, địa đạo được phục chế lại một đoạn năm xưa dài 100 mét và đến năm 1996 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Thời gian qua, di tích địa đạo Phú Thọ Hòa trở thành địa chỉ về nguồn của quận nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Năm 2022, UBND quận Tân Phú phối hợp cùng Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh ra mắt tour “Tân Phú - Đi là nhớ”. Đây là một trong những sản phẩm du lịch thuộc chuỗi các tour, tuyến mới nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh. Tour du lịch “Tân Phú - Đi là nhớ” gồm 5 điểm đến, trong đó di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa là một điểm đến ấn tượng được nhiều du khách yêu thích.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo trong buổi kháo sát sáng nay
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng các vị lãnh đạo thành phố trong buổi kháo sát

Sau khi khảo sát hoạt động tại địa đạo Phú Thọ Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngoài việc tiếp tục cải tạo không gian trong khuôn viên địa đạo, quận Tân Phú cần bổ sung thêm nội dung, tư liệu, hình ảnh để địa đạo mang tầm vóc lịch sử của một địa chỉ tiêu biểu về sự sáng tạo độc đáo của cha ông. Đồng thời xây dựng nơi đây trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng nghĩa.

“Việc xây dựng nội dung ở địa đạo Phú Thọ Hòa phải tạo ra những câu chuyện hấp dẫn, tạo ấn tượng cho du khách, có sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai để nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mục đích cuối cùng của chúng ta phải nói được câu chuyện lịch sử của cha ông. Để khi du khách, các bạn trẻ đến đây sẽ hiểu được câu chuyện lịch sử đó, góp phần tạo nền tảng cho con người sống phải biết lịch sử, có trách nhiệm với cuộc đời”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết