A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô

Trong suốt thời gian qua, đặc biệt cao điểm tuần vừa rồi, các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) lần thứ nhất năm 2022, Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) được tổ chức tưng bừng, dày đặc tại nhiều nơi trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là một tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô, cho thấy sức đọc và tình yêu với sách của người Hà Nội ngày càng tăng lên, đồng thời cũng cho thấy thông qua những hoạt động này, nhịp sống bình thường cũng đang dần trở lại với mỗi chúng ta.

Giúp độc giả có thêm cơ hội được tiếp cận gần hơn với sách

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều tựa sách mới, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giới thiệu sách, nhằm tôn vinh văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong cộng đồng. Các chương trình ưu đãi khuyến đọc cũng được tổ chức trong dịp này, giúp độc giả có thêm cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách mình yêu thích.

Đông đảo độc giả đến với các buổi giao lưu, tọa đàm, ra mắt sách

Đông đảo độc giả đến với các buổi giao lưu, tọa đàm, ra mắt sách

Nhân dịp ra mắt sách "Truyền kỳ mạn lục" và "Nam Hải dị nhân liệt truyện", Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức triển lãm tranh minh họa và chương trình giao lưu với hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan, Tạ Huy Long cùng sự góp mặt của hai khách mời là nhà nghiên cứu văn học phương Đông, “Bà đồ Nho” Trần Thị Băng Thanh, nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm.

Dưới lớp vỏ của một câu chuyện vui nhộn, hài hước về lứa tuổi học trò, tác giả Phạm Huy Thông nhắn gửi bạn đọc những bài học, những suy nghĩ lớn trước các vấn đề đang xảy ra với mỗi người khi chúng ta phải đối diện với một giai đoạn “kì lạ”, trong và sau đại dịch COVID-19 trong cuốn sách “Cơ Bản là Cơ bản”.

Tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô

Nối tiếp sự kiện ra mắt "Tủ sách đời người'' và Khởi động bình chọn ''100 cuốn sách nên đọc trong đời'', Omega+ tổ chức hoạt động chính thức "Ra mắt loạt sách đầu tiên và Chia sẻ phương pháp dẫn dắt trẻ vào thế giới truyện cổ".

Tại buổi tọa đàm "Bản quyền sách nước ngoài - Góc nhìn người trong cuộc" do Tân Việt Books tổ chức, bạn đọc được hiểu thêm về những khâu quan trọng trong quá trình trao đổi mua bán bản quyền sách nước ngoài, có những thông tin về việc dịch sách mua bản quyền được thực hiện như thế nào. Việc mua bản quyền sách trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra ra sao, xu hướng mua bản quyền sách nước ngoài hiện nay…

Chương trình phù hợp với đối tượng là các bạn sinh viên học tập trong lĩnh vực ngoại ngữ, biên tập, xuất bản, phát hành nói riêng và độc giả quan tâm tới sách được mua bản quyền dịch nói chung. Buổi tọa đàm có sự tham gia của ba khách mời uy tín và có kinh nghiệm trong việc giao dịch bản quyền sách và tổ chức dịch sách được mua bản quyền nước ngoài.

Tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô

Cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao” của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị là một tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách: Tự kể chuyện mình, tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc".

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức giới thiệu bộ sách Ehon Việt Nam của tác giả Hoàng Anh Đức "Kể chuyện khoa học" dành cho trẻ em từ 3 đến 10 tuổi. Đây là bộ sách truyện tranh khoa học dành cho các em nhỏ từ 3 tuổi đến 10 tuổi, một bộ sách của một nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời là một ông bố, viết dành tặng con gái trong suốt quãng thời gian hai năm COVID-19 (2020 - 2021) và trong cả một chặng đường dài anh cùng chơi, cùng học và cùng đọc sách với con.

Đây chính là bộ sách truyện tranh khoa học cho thiếu nhi đầu tiên do người Việt Nam viết và vẽ tranh minh họa (ở thế loại Picture book/Ehon) và còn bổ ích ở chỗ nội dung được trình bày song ngữ Việt - Anh, giúp các bé mở rộng cả vốn ngoại ngữ của mình. Với hình thức song ngữ Việt - Anh, NXB Phụ nữ Việt Nam cũng hy vọng sẽ sớm chào bán được bộ sách ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, tại các quận, huyện và các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc đến người dân, đặc biệt là đối tượng các em học sinh, sinh viên.

Bình ổn tâm hồn, lan tỏa tình yêu sách

Điều đó cho thấy, việc đọc sách, lan tỏa tình yêu sách đã trở thành một nhu cầu quan trọng, cần thiết trong xã hội. Nhất là, sau mùa dịch COVID-19 vừa qua, cùng với thực phẩm, thuốc men, sách đã trở thành một mặt hàng thiết yếu giúp con người bình ổn tâm hồn, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để chống chọi lại nghịch cảnh.

Tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô

Mặc dù các ca bệnh vẫn còn rải rác trong cộng đồng nhưng đã giảm mạnh. Thêm vào đó, tâm lý mỗi người đã được chuẩn bị để thích nghi, sống chung với dịch bệnh nên yên tâm phần nào. Vì thế, tại các cuộc ra mắt sách, giao lưu giới thiệu sách hay tọa đàm về các vấn đề xoay quanh sách và văn hóa đọc đã thu hút được đông đảo đối tượng đến tham dự.

Nếu như ở cuộc tọa đàm “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau” ta có thể thấy nhiều nhà giáo, người yêu nhạc lớn tuổi cùng các em sinh viên thì đến dự án “Tủ sách đời người” có rất nhiều các em học sinh tham dự. Đến buổi ra mắt bộ sách “Kể chuyện khoa học”, các em thiếu nhi cũng rất hào hứng với tác phẩm viết cho lứa tuổi của mình.

Tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô

Các vấn đề của sách, đọc sách như thế nào, tìm lối vào với các trang sách, tìm hiểu cách tiếp cận để tăng tình yêu với sách luôn được độc giả quan tâm. Bên cạnh đó, các dòng sách khác nhau cũng luôn được độc giả tìm hiểu để khám phá được trọn vẹn cái hay, cái đẹp mà những con chữ truyền tải.

Không cần phải hô hào, khẩu hiệu, bằng nhiều hoạt động được tổ chức thiết thực, gần gũi, tình yêu sách đã được khơi gợi sâu rộng, tạo thành phong trào, thành nhu cầu không thể thiếu của người dân Thủ đô. Bằng cách bồi đắp tâm hồn, bổ sung kiến thức, người Hà Nội đang làm đẹp cho chính mình, cũng là cách để nâng cao văn hóa ứng xử, văn hóa con người thông qua việc làm bạn với trang sách.

Tín hiệu vui cho Văn hóa đọc Thủ đô

Tiếc rằng, do điều kiện dịch bệnh chưa hết hẳn, các hội sách chưa được mở lại như những năm về trước. Tin rằng, sắp tới đây, khi dịch bệnh đã yên ắng hẳn, các hội sách mùa xuân, mùa thu, hội sách thường niên sẽ được trở lại những địa chỉ quen thuộc như Công viên Thống Nhất, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long… trở thành điểm hẹn quen thuộc với công chúng Thủ đô. Đến khi đó, những con số doanh thu khổng lồ từ sách sẽ càng cho chúng ta thấy sách là “món ăn tinh thần” bổ ích, quan trọng của người Hà Nội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...