Văn hóa công sở Hà Nội và những “ga tàu” mới - Bài 2: Nối thêm những “toa” vui
Ở giai đoạn giao thời này, dịch bệnh không còn dữ dội nhưng lại chưa chấm dứt hẳn, việc tạo dựng văn hóa công sở ra sao đôi khi lại là khó khăn với nhiều cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ, chưa thực sự an toàn hẳn để mở cửa thoải mái nhưng cũng không còn nguy hiểm tới mức làm chia ca, làm việc online. Các đơn vị đã thích ứng linh hoạt, chuyển đổi phương thức làm việc nhanh chóng để tiếp tục thiết lập lề lối, tác phong làm việc tại công sở.
Hòa nhập nhanh với “bình thường mới”
Đồng chí Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội) cho biết: Hiện tại, mọi hoạt đông, tác phong làm việc tại cơ quan đã dần trở lại như trước thời điểm diễn ra đại dịch. Tâm thế của viên chức lao động không có tình trạng xáo trộn, chán trường; Tất cả thường xuyên cập nhật những tin tức diễn biến dịch bệnh do các cơ quan báo đài đưa tin hằng ngày. Đồng thời, cơ quan đã giao cho Phòng Hành chính - Tổng hợp cập nhật, theo dõi, thông tin đến cán bộ nhân viên trong đơn vị, giúp mọi người yên tâm trong công tác.
“Ban Quản lý di tích danh thắng là một trong những đơn vị tự chủ. Vì vậy, việc phát huy tinh thần sáng tạo, mang lại hiệu quả, chất lượng công việc luôn được lãnh đạo ban quan tâm, khuyến khích. Cho nên, tại cơ quan chưa có hiện tượng chệch choạc, chây ỳ, ỷ lại sau dịch. Nếu có, lãnh đạo cơ quan sẽ có biện pháp chấn chỉnh ngay.
Cán bộ Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội luôn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh |
Sau hơn 2 năm sống chung với dịch bệnh, tâm lý của mọi người đã dần ổn định và chủ động hơn. Tâm lý e dè đã giảm đi nhiều, cách thức làm việc chung cũng đã linh hoạt, trôi chảy hơn. Ban đầu khi mới triển khai làm việc online, đôi khi mọi người cảm thấy bất tiện, khó khăn trong khâu kết nối. Sau khi thích nghi được thì phần nào chúng tôi lại nhận thấy một số quy trình làm việc nhờ có công nghệ lại tinh gọn hơn rất nhiều”, đồng chí Nguyễn Doãn Văn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Thị Phượng cũng cho biết, ngay sau khi dịch bệnh có dấu hiệu giảm nhiệt, phường đã thực hiện theo các quy định mới của thành phố, đảm bảo tiếp tục giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch trên địa bàn. Tất nhiên, cũng còn một vài biểu hiện chưa bắt nhịp kịp khi chuyển từ làm việc luân phiên, online sang làm việc trực tiếp nhưng các cán bộ tại phường đã nhanh chóng được chấn chỉnh, thích nghi và lấy lại được tác phong, lề lối như trước kia.
Hoạt động teambuilding của Alpha Books |
Đại diện công ty sách Alpha Books cũng nhận định, sự chậm lại, từ tốn trong cách làm việc mùa dịch hẳn nhiên không thể tránh khỏi tác động đến thói quen chung, phần nào nhân sự cũng bị ảnh hưởng như: Ngại giao tiếp, tương tác trực tiếp hơn, thiếu sự nhiệt huyết trong một số công việc cần tăng tốc...
Vì vậy, ngay trong giai đoạn dịch bệnh phải làm việc online, Alpha Books cũng tổ chức một vài hoạt động, thử thách online để mọi người gắn kết hơn, như: Đố vui mỗi tuần; Podcast hàng tuần cập nhật những tin tức mới nhất; Thi ảnh bàn làm việc tại nhà; Thi viết nhật ký mùa dịch; Thi đua bán hàng tăng doanh số... Vào thời điểm dịch bớt căng thẳng hơn, công ty vận động nhân sự tham gia thi chạy bộ đếm bước chân… cũng là một cách vận động giúp giảm bớt sự chây ỳ, tăng sự dẻo dai, nâng cao sức khỏe và tinh thần.
Quý trọng hơn những “ngày bình thường”
Được đi làm, được ùa vào nhịp sống bình thường là mong mỏi của biết bao người. Niềm vui được trở lại công sở “họp offline” sau gần một năm trời làm việc online tại nhà khiến chị Thảo (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) như được “sinh ra thêm lần nữa”. Dù vậy, chị Thảo vẫn cẩn thận đeo khẩu trang, không vì quá vui mừng, nhớ nhung bạn bè, đồng nghiệp mà quên đi dịch bệnh vẫn còn đó.
Nhân viên công ty sách Alpha Books được tặng sách "Đừng ốm" |
“Hầu hết mọi người trong cơ quan mình đều đã mắc COVID-19 rồi. Chính vì thế cũng có người nảy sinh tâm lý chủ quan. Đúng là khoảng hai tuần nay không còn ai “thăng hạng” nữa nhưng mọi người vẫn có người nhà, bạn bè còn rải rác trở thành F0. Vì thế, được họp offline mình rất mừng nhưng vẫn đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi”, chị Thảo cho biết.
Còn chị Thanh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) thì bày tỏ thái độ rất thận trọng: “Được đi làm hàng ngày trở lại trong thời tiết dễ chịu, mát mẻ của Hà Nội cuối xuân, chúng tôi đều rất vui mừng. Cảm giác như tất cả đều muốn ùa ra ngoài xã hội, nhất là muốn ngay lập tức khôi phục lại thói quen uống trà đá buổi trưa trong giờ nghỉ.
Thời tiết này mà ngồi trà đá, nói dăm ba câu chuyện “cho bõ” những ngày bị “cấm túc” ở nhà, phải hạn chế giao tiếp thì quá tuyệt vời. Vậy mà chúng tôi vẫn cố “nhịn thèm” bởi lẽ bây giờ mà ngồi quán xá san sát nhau, nói chuyện bỏ khẩu trang thì thật sự còn rất nhiều nguy cơ. Chính vì thế, ai nấy bảo nhau cố đợi đến khi dịch bệnh yên ắng hẳn thì hãy “bung xõa” vẫn chưa muộn”.
Những quán trà đá như thế này không còn nhiều người ngồi vào giờ làm việc |
Ý thức hơn để tránh dịch bùng phát trở lại, không phải trải qua những ngày “dài đằng đẵng” giãn cách hay làm việc online tại nhà, đó là tâm lý chung của hầu hết công chức, viên chức, người lao động tại Hà Nội hiện nay. Quý trọng hơn những ngày bình thường khi xưa, cộng với việc quy chế làm việc của cơ quan xiết chặt, quy định rõ ràng về công tác phòng, chống dịch nên hạn chế được rất nhiều hành động “ngẫu nhiên”, tự phát.
Vì thế, nếu đi trên đường phố hay tại các ngõ ngách với những “tụ điểm” trà đá vỉa hè quen thuộc, đông đúc cách đây hơn hai năm sẽ thấy tình trạng vắng vẻ khác thường. Vắng vẻ mà lại thấy mừng vì tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã hạn chế được gần như tuyệt đối sau mùa dịch. Mừng vì công chức, viên chức Nhà nước ý thức cao độ phòng chống dịch, tác phong làm việc nghiêm túc và đi vào thực chất hiệu quả công việc hơn xưa rất nhiều.
(Còn nữa)