A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết

Tục lệ chơi hoa đào ngày tết ở xứ Bắc đã có từ lâu đời, nó gắn liền với thơ ca, trong truyền thuyết và cả trong tiềm thức người dân từ xưa đến nay. Dù có ảnh hưởng từ đại dịch covid-19 nhưng chợ hoa vẫn là địa điểm “nóng” với người dân xứ kinh kỳ. Sức mua có giảm so với những năm trước song phong tục chơi cây ngày tết của người dân cũng không vì thế mà bị đổi thay.

Người Việt Nam luôn hướng về ngày Tết với ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng. Bên cạnh việc ăn Tết, chúc tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa, kiểng ngày tết được xem là điều thi vị, trang nhã và thanh tao trong dịp tết. Thú chơi hoa kiểng ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa  của dân tộc. Trong tâm thức của người Việt, nếu ngày tết thiếu sắc hoa, thì chưa đúng nghĩa là một ngày Tết.

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 1.

Thế nên một năm trôi qua, dù bận rộn với bao công việc, mọi người luôn dành thời gian để dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa và làm đẹp bằng những chậu hoa, kiểng đầy sắc xuân. Cũng từ đó mà chợ hoa xuất hiện trong mỗi khi tết đến và hoạt động từ độ giữa tháng Chạp đến hết ngày 30 mới kết thúc.

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 2.

Có người đi chợ hoa chỉ để thưởng thức và ngắm nhìn những chậu cây, chậu hoa đủ màu sắc và thể loại để có thể cảm nhận không khí Tết. Với người có thú chơi hoa kiểng thì việc đi chợ hoa là cả một nghệ thuật. Khi chọn hoa chơi tết, không đơn thuần là chọn hoa đẹp, màu sắc tươi mà tên gọi và tác dụng phong thuỷ của loài hoa cũng rất được chú trọng, như Phát Tài, Kim Ngân thể hiện lời cầu chúc tài lộc ngân lượng tuôn chảy dạt dào, Cát Tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc, hoa Đỗ Quyên và hoa Trạng Nguyên mang thể hiện mong ước đỗ đạt, thành đạt, hoa Thủy Tiên có tác dụng khử tà và mang lại điều cát tường, như ý, tăng thêm tài khí cho gia đình, hoa Hải Đường thể hiện cho sự phú quý, giàu sang…

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 3.

Không chỉ vậy, những người yêu cây cảnh thường thích bộ tứ quý gồm: Tùng-Cúc-Trúc-Mai thể hiện sức sống mãnh kiệt, bình dị và thanh tao. Trong đó, Tùng-Trúc tượng trưng cho người nam quân tử nên được bày bên ngoài, còn Cúc-Mai là cây tượng trưng cho thiếu nữ nên được bày bên trong.

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 4.

Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hoa đào có những ý nghĩa biểu tượng sau:

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 5.

Hoa đào là hình ảnh của sự đổi mới và sức sinh sản dồi dào. ở Trung Quốc người ta lấy nó biểu tượng cho lễ cưới.

Hoa đào nở trong mùa Xuân, còn là biểu trưng cho tình bạn thân thiết. 

Hoa đào tượng trưng cho sự trong trắng và thủy chung theo quan niệm của người Nhật Bản.

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 6.

Hoa đào biểu tượng cho mùa xuân. Từ lâu, hoa đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày Tết. Hoa đào đại diện cho miền Bắc còn hoa mai thì đặc trưng cho miền Nam. Đối với người Việt ta, Tết mà thiếu những loài hoa đó thì coi như chưa được trọn vẹn lắm.

Nhiều người chuộng chơi hoa đào trong ngày tết vì loài hoa này mang lại nét tươi đẹp, ấm áp, hoa có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn và hạnh phúc và đặc biệt có tác dụng trừ tà ma theo truyền thuyết dân gian, ngoài ra nó làm cho tình bạn ngày càng gắn kết, thân thiết trường tồn.

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 7.

Hoa Mai có màu vàng tượng trưng cho sự sang trọng, quý phái nhưng lại mang vẻ đẹp dịu dàng, đáng yêu, gần gũi với đời thường. Ai cũng có thể trồng Mai và thưởng thức Mai.

Cây quất có lá xanh tốt, sai quả, quả vàng đều thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Từ xa xưa, cây quất cảnh đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong ngày Tết Nguyên Đán. Nhiều người còn đùa nhau rằng “nếu không có cây quất, cây đào trong nhà là coi như chưa có Tết”.

Ngắm chợ hoa, cây kiểng ngày cận Tết - Ảnh 8.

Theo quan niệm của người Việt ta, cây quất (hoặc quýt) tượng trưng cho sự thu hoạch “bội thu” và cũng là một khởi đầu cho năm mới tốt đẹp. Vì thế, vào đầu năm mới, ta thường thấy mỗi gia đình thường mua một cây quất (quýt) quả vàng xum xuê, lá xanh tốt với mong muốn khởi đầu một năm mới tốt đẹp, giúp gia tăng tiền tài và vận may cho các thành viên trong gia đình.

Ngày nay, giao thông phát triển nên hoa Đào miền Bắc đã vào Nam thuận lợi và hoa Mai miền Nam đã ra Bắc đón tết. Trong tiết trời xuân, cảnh Bắc-Nam chung một ngày Tết qua cành Đào, nhánh Mai mới thật trọn vẹn và đầm ấm hơn bao giờ hết.


Tác giả: Phạm Khánh Huyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết