A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến Ninh Bình, ngâm thơ, thưởng trà tại Hội quán Dục Thúy Sơn

Đến với Hội quán Dục Thúy Sơn, công chúng được trải nghiệm không gian di sản cổ thi độc đáo, thưởng trà, ngâm thơ và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, tối 26/11, tại Công viên Núi Thúy (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra chương trình Hội quán Dục Thúy Sơn.

Tại chương trình, Công viên Núi Thúy được thiết lập thành một không gian nghệ thuật đậm chất thơ với lối bài trí những bàn trà cổ, các nghệ nhân pha trà mặc cổ phục và trưng bày các tác phẩm thơ khắc trên núi Dục Thúy bằng nghệ thuật sắp đặt, kết hợp trang trí ánh sáng để giới thiệu đến công chúng yêu thơ những di sản tinh thần quý giá còn hiện diện trên núi Thúy.

den ninh binh ngam tho thuong tra tai hoi quan duc thuy son hinh 1

Một bài thơ được khắc trên núi Thuý. Ảnh: Phan Hiếu

Cũng tại chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động: Hoà tấu nhạc dân gian truyền thống; trình diễn nghệ thuật pha trà và chia sẻ về văn hóa trà đạo; trình diễn ngâm thơ cổ; biểu diễn hát chèo, hát xẩm; trình diễn thơ đương đại; giao lưu và bình các tác phẩm thơ, phú về Dục Thuý Sơn...

Chương trình có sự tham gia của Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu, NSND Thanh Ngoan, các nhà thơ Vi Thuỳ Linh, Bình Nguyên, Bùi Thị Nhài cùng các nghệ sỹ đàn tranh, nghệ nhân xẩm...

Hội quán Dục Thúy Sơn được kỳ vọng góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về bề dày lịch sử và kho tàng di sản phong phú của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

den ninh binh ngam tho thuong tra tai hoi quan duc thuy son hinh 2

Không gian giới thiệu văn hoá trà đạo. Ảnh: Báo Ninh Bình

 

Đây cũng là hoạt động kích cầu du lịch, kết nối hành trình trải nghiệm của người dân, du khách thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, giải trí mới lạ, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Dục Thúy Sơn (núi Non Nước) là một ngọn núi nằm ở ngã ba sông Đáy và sông Vân. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là “cảnh tiên nơi cõi tục” mà còn được mệnh danh là “bảo tàng thơ” với trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm…

den ninh binh ngam tho thuong tra tai hoi quan duc thuy son hinh 3

Biểu diễn hát xẩm tại chương trình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Các bản khắc trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, núi Non Nước đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962 và Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2019.

Thế Vũ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...