A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm nguyên nhân thư pháp Việt ít phổ biến

Là đất nước văn hiến, nhưng các sĩ phu Việt Nam ít coi trọng thư pháp, dẫn tới không có các tác giả là danh gia thư pháp như Trung Quốc.

Triển lãm thư pháp 'Hương sắc Thăng Long' có sự tham gia của nhiều giảng sư, giảng viên thuộc Nhân Mỹ học đường.

Triển lãm thư pháp 'Hương sắc Thăng Long' có sự tham gia của nhiều giảng sư, giảng viên thuộc Nhân Mỹ học đường.

“Chìa khóa” tiếp cận lịch sử

Đó là một trong những ý trích dẫn đánh giá của Phạm Đình Hổ trong tham luận của TS Phạm Văn Ánh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhân Mỹ học đường tại hội thảo “Hoạt động đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập” vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hướng tới kỉ niệm 20 năm thành lập Nhân Mỹ học đường, hội thảo “Hoạt động đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập” do Nhân Mỹ học đường phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bộ môn Hán Nôm - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tổ chức.

Hội thảo thu hút đông đảo giới nghiên cứu, chuyên gia, các tổ chức, cá nhân yêu mến thư pháp Việt chia sẻ và đóng góp các ý kiến nhằm nâng cao, phục hưng chữ viết Hán Nôm cũng như hoạt động thư pháp. Với 30 tham luận, hội thảo cho thấy sự cần thiết, tầm quan trọng đặc biệt của tri thức Hán Nôm trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc.

Giới chuyên gia đều thống nhất, chữ Hán Nôm chính là “chìa khóa” để tiếp cận, nghiên cứu lịch sử, di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, có quá nhiều hạn chế dẫn tới việc chữ Hán Nôm dần mất đi vị thế, cũng như những khó khăn trong việc đào tạo Hán Nôm.

Đào tạo để tiếp cận di sản Hán Nôm cũng phân theo nhiều cấp độ: Thường thức, chuyên sâu, chuyên ngành. Trong khi đó tri thức Hán Nôm mang tính tổng hợp, liên ngành. Người học cần song hành văn tự giữa chữ Hán và chữ Nôm để có thể minh giải, nghiên cứu tri thức Hán Nôm.

TS Lê Trung Kiên - Đốc giáo Nhân Mỹ học đường cho rằng, mô hình đào tạo Hán Nôm ngoài công lập đã có từ lâu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, duy trì văn hóa, vun bồi tri thức, là nguồn lực văn hóa quan trọng góp phần vào việc xây dựng và phát triển xã hội.

Tuy nhiên cũng bộc lộ không ít hạn chế trong điều kiện mới. Các mô hình đào tạo ngoài công lập phải đối diện với những khó khăn và các vấn đề đặt ra như: Cân đối giữa nhu cầu cao và việc đáp ứng dịch vụ giáo dục Hán Nôm, thư pháp; cân đối giữa nội dung chương trình mang tính hàn lâm, kinh viện và mong muốn đạt được của người học mang tính dân gian, thực tiễn.

Xử lý hài hòa giữa tính kinh viện, cổ điển, lễ giáo của cổ học và văn hóa truyền thống trong đào tạo Hán Nôm; thư pháp với xu hướng hiện đại, số hóa trong bối cảnh phát triển của công nghệ.

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm nội dung: Đào tạo Hán Nôm; đào tạo thư pháp; công tác quản lý đào tạo. Giới chuyên gia cũng đưa ra những quan điểm, góc nhìn, phân tích. Tuy nhiên, cũng dễ thấy các tham luận căn bản mới chỉ đề cập, đi sâu các hoạt động đào tạo tại Nhân Mỹ học đường mà chưa có sự tìm hiểu, đối sánh với các cơ sở đào tạo khác.

tim-nguyen-nhan-thu-phap-viet-it-pho-bien-1.jpg

Hội thảo thu hút đông đảo giới quản lý, chuyên gia nhằm hệ thống, đưa ra khung nội dung đào tạo Hán Nôm.

Điều gì hạn chế thư pháp Việt?

Theo TS Phạm Văn Ánh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhân Mỹ học đường, ở nước ta ghi chép về thư pháp bắt đầu từ thời Lý. Có hai tư liệu quan trọng về việc này, một là văn bia “Đại Việt quốc đương gia Đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi” hiện dựng tại chùa Long Đọi (Hà Nam) ghi nhận việc vua Lý Nhân Tông đích thân viết chữ phi bạch trên trán bia.

Bia thứ 2 là “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh”, dựng tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt (Yên Mỹ, Hưng Yên). Văn bản vẫn còn nhưng không có chứng tích chữ phi bạch, tuy vậy lại đề cập đến một nhân vật là cháu gọi đại thần Đỗ Anh Vũ là bác. Đỗ Anh Vũ là quan chức cao cấp, rất tinh rành thư pháp và từng viết chữ phi bạch để đối đáp với nhà vua.

Ông Ánh cũng cho biết, thời Lý thư pháp đã được sử dụng trong đời sống cung đình, đặc biệt là chữ phi bạch. Thời Trần, không có tư liệu ghi chép. Thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông có bài thơ viết chữ thảo, cho thấy thư pháp trong đời sống cung đình vẫn được coi trọng, tuy nhiên chỉ thông dụng trong giới cung đình, quý tộc và quan chức cao cấp.

“Thời Lê trung hưng, một trong những người bàn thể chữ Việt Nam là Phạm Đình Hổ. Ông đề cao giai đoạn thời Lý Trần, nhưng đánh giá ở Việt Nam thư pháp không được coi trọng. Ông nhắc đến nhiều danh gia thư pháp Trung Hoa nhưng không có một tác giả nào là danh gia thư pháp Việt Nam. Phạm Đình Hổ đặt câu hỏi, chúng ta là nước văn hiến mà tại sao thư pháp lại bị sĩ phu coi thường, không chú trọng?”, ông Ánh cho hay.

Thời Nguyễn có nhiều tư liệu hơn ghi chép về thư pháp, tuy nhiên một số tư liệu như của Nguyễn Du có khen chữ viết cô Kiều: “Khen rằng: Bút pháp đã tinh/ So vào với thiếp Lan Đình nào thua”. Tuy nhiên, Lan Đình mang tính chất điển cố hơn là sự thật ghi chép về thư pháp.

Thời Nguyễn, theo ghi chép của nhà nho Nhữ Bá Sĩ có nói về thư pháp nhưng không phổ biến mà chỉ diễn ra nội bộ gia tộc ông mà thôi.

Triều Nguyễn cũng nhập khá nhiều sách thư pháp của nhà Thanh, trong đó có những bộ lớn “Tam Hy Đường pháp thiếp”. Không chỉ sử dụng sách ngoại, thời này một số sách thư pháp cũng được người Việt tiếp biến và khắc in sử dụng nội bộ. Có sách do chính tay vua Tự Đức biên tập, chỉnh lý, lựa chọn chế bản in Việt Nam.

Ông Ánh nhận định, có thể thấy thư pháp Việt xưa không thực sự phong phú, ít tác phẩm có tính chất thư luận, mặc dù điều này ở Trung Quốc thì rất mạnh mẽ. Cho thấy thư pháp Việt Nam ít được coi trọng, nhất là giới sĩ đại phu – có lẽ là những người tinh thông và sành sỏi nhất, nhưng việc viết chữ thì lại liên quan tới giới Thư lại.

“Trong thư pháp, cần dụng công hết sức sâu sắc và đòi hỏi rất nhiều thứ, trong đó có đầu tư kinh tế, pháp thiếp… mà điều kiện để chúng ta tiếp nhận mặt pháp thiếp là rất khó khăn. Các nhà nho thì chủ yếu hướng tới việc thi cử, làm quan. Và ngay khi đã gia nhập giới quan trường rồi thì điều kiện để tiếp xúc các pháp thiếp cũng không đơn giản. Đó là một trong những nguyên nhân khiến thư pháp khó phát triển ở nước ta”, TS Phạm Văn Ánh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhân Mỹ học đường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...