A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo

Hà Nội cần sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, TP tiếp tục rà soát, bổ sung quan điểm, tư tưởng, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, để tiến tới khi 2 Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt sẽ triển khai đồng bộ.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, diễn ra sáng nay (6/11).

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Đại biểu tham dự Hội nghị

Đến dự Hội nghị, về phía đại biểu Trung ương có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; đại diện các Ban, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế.

Về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, quận, huyện.

Đổi mới tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển các giá trị văn hóa

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết 09-NQ/TU), khẳng định tầm nhìn chiến lược, hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô, tạo nguồn động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của TP.

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Các đại biểu tham quan triển lãm bên lề Hội nghị

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều mô hình, sáng kiến hay, như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ban hành và triển khai các quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng có hiệu quả; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương trong nhà trường”…

Điểm nhấn trong triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII cụ thể hóa thông qua việc ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý;chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm. TP đã dành 14.029 tỷ đồng để thực hiện 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Nguồn thu từ hoạt động thăm quan di tích tăng lên gấp 10 lần so với năm 2008 (đạt 90 tỷ đồng năm 2023/09 tỷ đồng năm 2008).

Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành, TP đã có thêm nhiều sản phẩm văn hóa tiêu biểu, sáng tạo, đặc sắc, thúc đẩy du lịch phát triển như: Chương trình Đêm thiêng liêng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chương trình “Trải nhiệm Văn Miếu về đêm”, “Ngọc Sơn huyền bí”, “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”…

Điểm mới nổi bật chính là sự đổi mới tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới của Đảng bộ, chính quyền TP nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội khi Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Điều đó đem đến làn gió mới cho phát triển văn hóa Thủ đô, được các cấp, ngành, cộng đồng sáng tạo, các chuyên gia, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và Nhân dân hưởng ứng.

Các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng như: Phố đi bộ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông, Công viên rừng Phúc Tân, Bến hoa Phúc Xá, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm… và các hoạt động sáng tạo như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội áo dài, Lễ hội Sen Tây Hồ, Liên hoan ban nhạc toàn quốc năm 2024…, được dư luận xã hội, Nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh tham luận tại Hội nghị

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế như “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội” năm 2022, 2023; Lễ hội âm nhạc Gió mùa, sự kiện Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế, Hội nghị APEC lần thứ 14; SEA Games 31; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019; Sự kiện văn hóa Carnival đường phố Hà Nội 2019; Sự kiện Không gian văn hóa Hàn Quốc tại phố đi bộ Hà Nội; Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội – HANIFF…

Kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo

Tại hội nghị, các tham luận đã góp phần làm rõ và khẳng định, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, Nghị quyết 33-NQ/TW đã thực sự thẩm thấu và lan tỏa trong cuộc sống của Thủ đô. Việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Thủ đô đã có bước phát triển mới đáng tự hào. Văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô...

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Các tập thể, cá nhân xuất sắc nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, văn hóa Thủ đô đóng góp vai trò quan trọng, không chỉ trực tiếp mà thực sự, theo thời gian, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa và phát triển con người của Hà Nội ngày càng sâu sắc, toàn diện, cập nhật xu thế phát triển của thế giới.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh 3 điểm nổi bật trong 10 năm TP đã đạt được, đó là: Nhận thức về phát huy văn hóa trong xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô đã được lãnh đạo TP luôn quan tâm trong suốt 70 năm qua, đặc biệt, trong 40 năm đổi mới.

Trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp, Thành ủy luôn có chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội bên cạnh chương trình về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị- điều đó chứng tỏ sự kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về văn hóa, xây dựng con người Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ.

Khi có Nghị quyết 33-NQ/TW, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, vận dụng sáng tạo trên tinh thần trách nhiệm vai trò, trách nhiệm của Thủ đô. Không chỉ thực hiện nghiêm, TP còn rất sáng tạo, bám sát yêu cầu tình hình thực tiễn của Thủ đô, từ đó, đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết sách, như: ban hành 2 bộ tiêu chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; mạnh dạn đưa môn giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội vào hệ thống giáo dục phổ thông, đưa nội dung Hà Nội học vào các nhà trường…

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Các cá nhân xuất sắc nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội

Khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW rất cụ thể, qua đó, giúp Hà Nội tự hào, tự tin trong xác định những vấn đề lớn trong giai đoạn tiếp theo của Thủ đô; tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra những hạn chế. Đó là sự không đều giữa các địa phương mà nguyên nhân do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các đồng chí đứng đầu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, Ban Cán sự Đảng UBND TP quan tâm lãnh đạo để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, TP tiếp tục rà soát, bổ sung quan điểm, tư tưởng, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương, để các quận, huyện, thị xã, các ngành cập nhật quy hoạch, để tiến tới khi 2 Quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai đồng bộ.

Bên cạnh đó, TP đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phải liên thông, tích hợp thành hệ thống.

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Các tập xuất sắc nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội

Lưu ý đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa một cách chuyên nghiệp còn thiếu, hạn chế, do đó, bỏ lỡ nhiều cơ hội, không khích lệ được sự sáng tạo trong xã hội. Do đó, đồng chí yêu cầu phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới liên quan đến vấn đề văn hóa để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, nhất là đầu tư công, quản trị tư, nhượng quyền, liên kết...

Cùng với đó, TP tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây vừa là lợi thế của Hà Nội đồng thời cũng là trách nhiệm của Hà Nội với cả nước. Do đó, phải quan tâm, đầu tư thích đáng cho nội dung này, tăng cường giao lưu, học hỏi với các địa phương trong và ngoài nước.

Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, sáng tạo
Báo Tuổi Thủ đô vinh dự đón nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 41 tập thể, 41 cá nhân có thành tích trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Tập thể Báo Tuổi Thủ đô và đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô vinh dự đón nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội.

Ảnh: Viết Thành

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...