Cảm hứng sáng tạo từ văn hóa làng
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, CLB Đình làng Việt đã tổ chức chương trình 'Kể chuyện làng' tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Chương trình 'Kể chuyện làng' thu hút đông đảo công chúng |
Chính làng quê đã cung cấp nguồn cảm hứng, vốn văn hóa tuyệt vời và giàu có nhất cho các sáng tác văn học, làm nên tên tuổi Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đoàn Văn Cừ…
Văn hóa cố kết cộng đồng
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, CLB Đình làng Việt đã tổ chức chương trình “Kể chuyện làng” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Chương trình gồm trình diễn âm nhạc, trang phục và tọa đàm về nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật từ văn hóa làng.
Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt cho rằng, làng quê luôn là nguồn cảm hứng của nghệ sĩ, hình ảnh làng quê luôn hiện lên mộc mạc, giản dị. Trong dòng chảy đời sống hiện đại, làng quê Việt có nhiều biến đổi, cảnh sắc, thiên nhiên, phong tục bị lấn át bởi quá trình đô thị hóa, của đời sống công nghệ…
Đó là lý do chương trình được tổ chức, nhằm khơi gợi nguồn cảm hứng cho những người trẻ trong sáng tạo nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên, một sân khấu dân gian của làng quê Bắc Bộ được tái hiện trước Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhưng không chỉ là chiếu Chèo mà còn có những bản nhạc mang âm hưởng dân gian.
Chương trình đã thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên từ các trường đại học. Không chỉ được nghe những ca khúc về quê hương, khán giả còn được chiêm ngắm những bộ sưu tập về cổ phục, trong đó có bộ sưu tập “Bảo toàn ngũ thân” do họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn và nghệ nhân Phạm Văn Tuyền thực hiện.
Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học nói rằng, hầu hết chúng ta đều sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nào đó, từ Thăng Long cho đến Thanh Nghệ… Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cư dân các làng xã mang đặc trưng lao động cần cù, chống thiên tai khắc nghiệt và tạo ra các giá trị văn hóa làng.
Nét nổi bật của làng Việt cổ truyền, tồn tại nguyên dạng về cấu trúc vật chất, làng xã là một cộng đồng dân cư mà thành phần cơ bản là nông dân. Dù có những điều chưa thuận phát triển, nhưng mỗi cộng đồng cư dân luôn cố kết với nhau, cố kết từ cá nhân, tập thể cho đến dòng họ.
Trên cơ sở văn hóa lúa nước, các làng xây dựng và xác lập, tuân thủ nghiêm túc các mối quan hệ nam - nữ, già - trẻ, cùng giới, cùng nghề… hình thành các thiết chế xã hội, gắn kết các “trục ngang” của quản lý xã hội làng xã: Xóm ngõ, phe giáp, hội đồng kỳ mục, phường hội… cố kết các thành viên với nhau trong các nghĩa vụ quyền lợi.
“Mỗi cộng đồng làng là thể thống nhất văn hóa dù làng làm nông hay làng nghề, buôn bán hay khoa cử… tất cả đều mang mô hình chung. Ở đó, phương diện vật chất là ngôi đình – yếu tố văn hóa vật chất lớn nhất, là trung tâm quy tụ, duy trì văn hóa làng. Từ 1945 đến nay, làng xã trải qua nhiều biến động, nhưng may mắn là sức sống văn hóa mà cha ông tạo ra vẫn giữ cơ bản.
Từ cổng làng, đình làng mái đao cong vút, mái ngói lô xô, ngôi chùa, nhà thờ, ngôi đền miếu ẩn dưới tán cổ thụ. Ẩn sau cổng làng vẫn là nếp sống cư dân cộng đồng tương trợ lẫn nhau trong các đám đình, hội làng”, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết.
“Bất tử hóa” văn hóa làng
Bàn về cảm hứng sáng tạo nghệ thuật từ văn hóa làng, TS Trần Đoàn Lâm – Chủ tịch Hội đồng biên tập tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, NXB Thế giới nhận định: “Với người Việt, dù đi đâu vẫn luôn hiện hữu nơi chôn rau cắt rốn: Kìa thuyền ai lờ lững bên sông/ Vẳng tai nghe tiếng sáo mục đồng/ Đàn cò trắng thướt tha trên đồng xanh bát ngát/ Hương móng rồng đâu đây ngào ngạt/ Tưởng như ta lạc vào chốn đào tiên.
Một nông thôn rất đẹp như vậy với giếng nước, cây đa, sân đình, với những bến đò, dòng sông. Và đồng thời là những làng quê của con người nông dân thật thà, chất phác, quật cường, ý chí.
Đó là làng quê của những anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo, của những thân phận nghiệt ngã trước cách mạng, và đổi mới sau cách mạng: Gánh thóc em về xóm giếng xa/ Đường mai nón lá trắng đầy hoa/ Xóm thôn ơi ới mời nhau gọi/ Anh đợi chờ em trước cửa nhà.
Một làng quê yên bình đã cung cấp chất liệu sáng tác cho nghệ thuật, cho thi ca nhạc họa. Những bài hát về bóng tre, tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ vang… với những con người nồng hậu chính là những mảnh đời của bất cứ ai trên đất nước Việt Nam”.
TS Trần Đoàn Lâm khẳng định, chính các làng quê đã cung cấp nguồn cảm hứng, vốn văn hóa tuyệt vời cho các sáng tác văn học, làm nên các tên tuổi Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đoàn Văn Cừ… tất cả hình ảnh làng quê đã được “bất tử hóa”.
“Mặc dù sự biến đổi ngày nay đang thay đổi diện mạo làng quê, biến làng quê thành đô thị, hình thành lối sống đô thị nhưng tâm khảm mỗi người, hình ảnh thôn quê luôn đeo bám con người. Những nếp sống, lối nghĩ, giá trị xưa vẫn có ý nghĩa lớn để phục vụ đời sống hiện đại”, ông Lâm cho hay.
Tại sự kiện, nhạc sĩ Trúc Đồng (TPHCM), người có những sáng tác mang âm hưởng Bắc Bộ cùng nhà văn Lê Xuân Khoa biểu diễn ca khúc “Làng”, đem đến nhiều xúc cảm và rung động. Ca khúc được viết bởi âm hưởng làng quê, phối trên nền nhạc hiện đại để tạo sự hòa hợp.
Trúc Đồng là người con Nam Bộ, bài hát “Làng” ra đời khi anh biết tới những triền đê Bắc Bộ, thấy những bụi tre, giọng làng khác nhau. Sự ra đời của “Làng” không chỉ đến từ các cảm hứng mà còn từ rất nhiều yếu tố từ văn hóa làng.
Họa sĩ Thành Chương chia sẻ, là người Việt ai cũng yêu quý văn hóa cha ông, nhưng chúng ta từng sai lầm, phá bỏ những di sản vì cho rằng đình đền miếu mạo là mê tín. Đến khi ý thức được, thì phục hồi sai lầm bằng cách đập cái cũ để xây cái mới. May mắn là văn hóa làng vẫn được bảo lưu, nhiều làng còn khá nguyên vẹn nét văn hóa, tập tục xưa.
“Văn hóa Việt Nam dù bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, nhưng sự tiếp biến ấy có những biến đổi khác biệt. Như sư tử đá Trung Quốc, to lớn về kích thước, dữ dằn về hình dạng khiến người đối diện e sợ, nhưng khi vào Việt Nam lại là con nghê hiền lành, linh thiêng gắn với những sự tích văn hóa. Chính tinh thần dân gian, văn hóa làng trường tồn đã làm thành sự khác biệt giữa nền văn hóa Việt Nam với nền văn hóa khác”, họa sĩ Thành Chương cho biết.