Nữ giảng viên với phương pháp dạy học "hài cài check" độc đáo
Cô Trần Thu Nga được sinh viên yêu mến vì phong cách giảng dạy gần gũi, sáng tạo, gói gọn trong ba từ 'hài', 'cài' và 'check' (kiểm tra).
Phương pháp dạy học “có một không hai”
Với kinh nghiệm hơn 10 năm giảng dạy chuyên ngành Digital Marketing, cô Thu Nga là một trong những giảng viên xuất sắc của trường Cao đẳng FPT Polytechnic Thái Nguyên.
Dù hơn sinh viên gần chục tuổi, nhưng chưa bao giờ cô Nga và học trò có khoảng cách thế hệ. Cô cho biết, bí kíp để duy trì sự thân thiết đặc biệt ấy là phương pháp dạy học đặc biệt.
“Hài” nghĩa là hài hước. Là một người vui vẻ, cô Nga rất chú trọng sự thoải mái của sinh viên trong các giờ học của mình. “Hài hước” cũng là yếu tố giúp cô Nga trở nên gần gũi với sinh viên, bởi cô luôn coi sinh viên như những người bạn chứ không chỉ là “người học”.
Cô Nga chia sẻ: “Mình cũng là người hài hước nên thường xuyên lồng ghép những yếu tố hài hước vào giờ dạy. Có một lần các bạn sinh viên mất trật tự trong lớp, mình không quát mắng gì cả mà lần lượt viết lên bảng ba cột “miệng không xinh”, “miệng lên da non” và “niềm vui riêng”.
Cả lớp đều phì cười vì những chữ ngô nghê đó trên bảng. Mình lần lượt giải thích “miệng không xinh” là các bạn hay nói bậy, “miệng lên da non” là các bạn hay nói chuyện, còn “niềm vui riêng” là chỉ các bạn làm việc riêng. Chỉ vậy thôi nhưng cả lớp đã hiểu ý mình muốn nhắc nhở các bạn. Mình thấy sự ẩn ý và có một chút ngô nghê, hài hước đó đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc quát mắng, phạt học trò”.
Thứ hai là từ “cài”. Cô Nga giải thích, từ “cài” mang nghĩa cài cắm, chỉ cách cô lồng ghép kiến thức lý thuyết. Trong các buổi lên lớp. cô thường bắt đầu giờ học bằng các câu chuyện thực tế của chính cô, từ đó rút ra bài học cho sinh viên. Có như vậy, sinh viên mới hiểu bài một cách tự nhiên, không học theo lối gò ép, “nhồi nhét” kiến thức.
Cuối cùng, cũng là phương pháp cô Nga tâm đắc nhất là “check” (kiểm tra). Trong giờ học của cô Thu Nga sẽ có rất nhiều bài kiểm tra, tuy nhiên các bài kiểm tra ấy được triển khai thành trò chơi, giải câu đố, vòng quay may mắn… để sinh viên hứng thú hơn với giờ dạy. Vì được “kiểm tra” thường xuyên nên các sinh viên luôn được củng cố kiến thức.
Dù trẻ trung, thoải mái với sinh viên là vậy, song cô Nga cũng tự nhận bản thân là một giảng viên nghiêm khắc và có các luật lệ riêng cho lớp học của mình, chẳng hạn như: bắt buộc phải đúng hạn nộp bài tập, bốc thăm sinh viên trình bày bài trước lớp… Ngoài giờ học, cô trò như những người bạn nhưng khi đã bước vào lớp, trò và cô phải có sự tôn trọng nhất định với nhau.
“Mình và sinh viên như những người thân trong gia đình”
Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô Thu Nga cũng đã có nhiều kỷ niệm với sinh viên, với nhà trường. Có những học trò ngỗ nghịch, cá biệt nhưng cũng không ít trò ngoan và chăm chỉ.
Cô kể về một kỷ niệm với sinh viên khiến cô nhớ mãi: “Mình từng gặp một học trò cá biệt. Bạn ấy khá là nghịch và hay nói tự do trong lớp, không nghe mình nhắc nhở. Dù cũng có những lúc khó chịu, nhưng thật lòng mình thương cậu học trò đó nhiều hơn vì bạn ấy đã không được nâng đỡ, hỗ trợ đúng cách.
Có một lần, bạn ấy ngã xe và đến lớp muộn. Trong giờ học, bạn đó liên tục nhăn nhó và tỏ ra đau đớn. Mình lo lắng quá liền đến bên cạnh hỏi han, quan tâm bạn, hỗ trợ bạn điểm danh và liên tục nhắc bạn ấy gọi người thân đưa về nhà”.
Với cô Nga, đó là những cử chỉ quan tâm hết sức bình thường giữa cô và trò. Nhưng sau khi về nhà, cô nhận được tin nhắn cảm ơn từ nam sinh. Cậu học trò vừa cảm động vừa thắc mắc: “Cô ơi, tại sao em hay “phá” cô trong giờ mà cô vẫn quan tâm em như vậy”.
Từ đó, cô Nga nhận ra rằng, dù chỉ là những cử chỉ quan tâm nhỏ bé nhưng lại hoàn toàn có thể “cảm hóa” những học trò ngỗ nghịch. Đó cũng là động lực để cô thêm gắn kết với sinh viên, yêu hơn nghề dạy học.
Ngoài giờ học, cô Nga và học trò thường xuyên quay Tiktok cùng nhau. Nhiều bạn cũng lấy ảnh cô để làm ảnh chế, meme hài hước. Những khi dạy ca tối, khi cả cô và trò đều đã mệt sau một ngày dài học tập, các sinh viên sẽ rủ cô cùng nghe những bài hát để tinh thần phấn chấn hơn trước giờ học. “Với mình, chỉ cần sinh viên tình cảm như vậy thôi là đã rất quý, rất mừng rồi”, cô Thu Nga chia sẻ.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Nga không mong gì nhiều cho bản thân mình. Cô tâm sự, chỉ mong các bạn sinh viên luôn sống với ước mơ, có mục tiêu và hoài bão. Đừng sợ hãi khi đứng trước những con đường mới, hãy cứ thử và trải nghiệm để làm dày hơn vốn sống của bản thân.