A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảm thụ văn học: Ngưỡng vọng về mẹ từ điều giản dị

Giữa dòng đời ngược xuôi, có lẽ không ít lần ta tự hỏi: Cái đích mà ta đang hướng đến là gì?

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Những ước vọng cao siêu, hay tận tâm với những điều bình dị nhưng sâu xa tình nghĩa?

Với nhà thơ Lê Văn Vỵ, những săn sóc nhỏ nhặt nhất cho mẹ chính là yêu thương, hiếu thảo.

Cắt móng chân cho mẹ

Lê Văn Vỵ

Đưa mẹ về, từ Huế

Tạm nghỉ ở Đèo Ngang

Trưa trời nắng chang chang

Cắt móng chân cho mẹ!

Móng: Điếc thời còn bé

Móng: Nứt nẻ trên đồng

Móng: Chiều có, tối không

Thời dân công hỏa tuyến

Móng: Bay vèo theo máu

Khi bom Mỹ sát thương

Móng: Rơi ở dọc đường

Lần cháy nhà cứu nạn

Ôi móng chân số phận

Xa xót những mất còn

Còn lại ba móng chân

Cong queo và dị dạng

Nhọn như là vuốt sắc

Nung lửa trời, lửa đời

Tôi băng giá cõi người

Kéo đụng vào cong lưỡi.

(Tập thơ “Thưa mẹ”, NXB Hội Nhà văn)

Bài thơ “Cắt móng chân cho mẹ” đưa ta đến với những hình ảnh rất thật, rất đời về những móng chân của mẹ, từ đó ta thấm thía bài học của đạo làm con.

Về hoàn cảnh ra đời bài thơ, tác giả kể rằng: “Trên đường đưa mẹ đi chơi, từ Huế về Hà Tĩnh, mấy chị em dừng lại đèo Con, đèo Ngang nghỉ và ăn trưa. Sau khi ăn trưa xong, Văn Lê không ngủ, thấy móng chân mẹ quá dài, sẵn dao, kéo, cắt móng chân cho mẹ”. Như thế, từ một trải nghiệm của bản thân, nhà thơ Lê Văn Vỵ đưa ta đến với một hình ảnh rất đời thường nhưng độc đáo: Móng chân mẹ.

Bài thơ gây ấn tượng ngay từ đầu bởi nhan đề chỉ hành động cắt móng chân. Có thể vì nhỏ lại ở vị trí lẩn khuất, nên móng chân ít người để ý. Mặt khác, với những người mẹ nông thôn xưa, móng chân thường tự cắt, hoặc va chạm tự gãy. Đưa hành động cắt móng chân cho mẹ làm tứ thơ là một sự sáng tạo rất đáng trân trọng.

Cắt móng chân là hành động đòi hỏi người cắt phải cúi cả người và đầu xuống, tập trung hướng nhìn, tay nâng bàn chân người được cắt lên. Bởi thế, đọc bài thơ, ta cảm nhận rõ được một câu chuyện rất thật, ta hình dung được người con với dáng người cúi xuống thật thấp, một tay rất khéo nâng bàn chân, một tay loay hoay với những móng chân đặc biệt của mẹ.

Loay hoay, xoay xở khó khăn với những móng chân bao nhiêu, người con càng xót xa bấy nhiêu! Ở đây không dừng lại ở hành động cắt, mà còn là quan sát để cảm nhận và thấu hiểu. Loay hoay, thay đổi tư thế, xoay xở để có thể cắt được các móng chân đặc biệt kia, tác giả có dịp chậm lại một chút để ngắm nghía các móng chân mẹ từ nhiều góc cạnh.

Có thể nói mỗi lần xoay người, mỗi nhát kéo khó khăn cố gắng để cắt vào các móng chân kia như một lần xoáy sâu vào tâm can người con. Xót xa, yêu kính, ngưỡng vọng người mẹ quê mùa nhưng vĩ đại.

Một lần cắt móng chân cho mẹ đầy khó khăn của tác giả, thêm bao lần dóng lên trong tâm hồn mỗi chúng ta sự thôi thúc của chữ hiếu, của lòng biết ơn các đấng sinh thành. Thông điệp sâu xa được gợi lên từ một hình ảnh thơ rất giản dị, rất đời; từ những lời thơ tự nhiên nhưng xúc động.

Mạch ý bài thơ được bắt đầu từ hành động ấy. Cái hay ở đây là, nhờ cắt móng chân cho mẹ, nhà thơ thấy được:

“Móng: Điếc thời còn bé

Móng: Nứt nẻ trên đồng

Móng: Chiều có, tối không

Thời dân công hỏa tuyến

Móng: Bay vèo theo máu

Khi bom Mỹ sát thương

Móng: Rơi ở dọc đường

Lần cháy nhà cứu nạn”

Hai khổ thơ với 5 dấu hai chấm giúp người đọc cảm nhận rất rõ hình ảnh móng chân của người mẹ. Tất cả đều không còn vẹn nguyên, đẹp đẽ như vốn có. Mỗi móng có mỗi đặc điểm riêng.

Hoặc là do ban đầu “điếc thời còn bé”; hoặc là do một đời tảo tần với đôi chân đi đất nhiều hơn đi dép, ngâm nước đọng bùn tanh ngoài đồng ruộng nhiều hơn ở nhà; hoặc do dặm dài đầy chông gai của “thời dân công hỏa tuyến”; hoặc do “bom Mỹ sát thương”, khói lửa chiến tranh càn quét cả thịt da, xương máu; hoặc do đời sống tận cùng của những đau thương, cơ cực “lần cháy nhà cứu nạn”.

Một loạt tính từ, động từ được sử dụng rất hợp lý: “điếc”, “nứt nẻ”, “bay vèo”, “rơi”; cùng với danh từ chỉ thời gian, địa điểm: “thời còn bé”, “trên đồng”, “chiều, tối”, “thời”, “khi”, “dọc đường” khắc họa rõ nét, đậm đặc hình ảnh những móng chân đặc biệt. Cùng là móng chân, nhưng hình hài mỗi móng lại khác nhau, không còn hoặc dị dạng.

Điều thú vị nữa là, các móng chân ấy lại có chung số phận: Phận nghèo, phận khổ, phận cơ cực, phận long đong, phận mất tự do, phận chung khói lửa, phận bị xâm lăng:

“Ôi móng chân số phận

Xa xót những mất còn”

Một khổ thơ đặc biệt chỉ có hai câu, đưa từ cảm thán “ôi” và tính từ “xa xót” lên đầu như tiếng lòng cảm thương, đau đớn của người con khi có dịp nhìn những móng chân đặc biệt của mẹ. Cũng có thể nói, những móng chân mất còn ấy giúp người con thấu cảm cuộc đời cơ cực, những mất mát, hi sinh của mẹ, của những phụ nữ cùng thời.

Những ngón chân cố bám vào đất cho bước đi thêm vững, thêm nhanh như chính những người vợ, người mẹ sớm hôm tần tảo giữa đời để cuộc sống đỡ phần lao đao, để những biến cố đỡ phần đau thương, chua xót. Dù vậy, phần lớn cuộc đời của mẹ cũng giống như những móng chân kia, luôn nghiêng về phần mất, còn phần được lại quá chông chênh:

“Còn lại ba móng chân

Cong queo và dị dạng

Nhọn như là vuốt sắc

Nung lửa trời, lửa đời”

cam-thu-van-hoc-nguong-vong-ve-me-tu-dieu-gian-di.png

Cha ông ta thường quan niệm, số 10 là biểu tượng cho sự tròn trĩnh, đủ đầy, vẹn nguyên. Hoặc nếu chỉ sự mất mát, thường hay dùng câu “Mười phần mất bảy còn ba”. Trong bài thơ này, đương nhiên sự tròn đầy không tồn tại, bởi 10 móng chân vốn đã không bình thường. Hơn thế, 7 móng kia cũng trong tình trạng hoặc có hoặc không.

Chỉ còn 3 móng, nhưng lại là những móng chân đặc biệt nhất “cong queo và dị dạng”. Hình ảnh so sánh “nhọn như là vuốt sắc” cho thấy những móng chân ấy đã có một quá trình phát triển dài và không bình thường. Có phải vì cong queo không thể cắt được nên nó cứ mặc nhiên phát triển rồi trở nên vừa nhọn, vừa sắc?

Hay nó bị bỏ quên bởi chủ nhân vì đời sống long đong, vì tất bật đêm ngày, vì cái mạng sống còn mong manh giữa thời đạn bom? Chỉ biết rằng, những móng chân ấy ngày càng trở nên lạ kỳ, đến nỗi “kéo đụng vào cong lưỡi”.

Phải rồi, khi đã “nung lửa trời, lửa đời” thì những móng chân ấy đâu còn là một phiến sừng mỏng được cấu tạo chủ yếu từ keratin nữa mà trở nên như sắt, như đồng. Như thế, có thể nói rằng, những móng chân là số phận bi thương, nhưng đồng thời cũng thể hiện cái khí phách, cái hiên ngang và tư thế dám đương đầu.

Mẹ cũng như bao người trên mảnh đất thân yêu này, giữa nắng gió, bão lũ, giữa khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa chết chóc của bao cuộc chiến tranh ác liệt; vẫn “vùng đứng dậy sáng lòa”, chân bám vào mảnh đất quê hương, đầu ngẩng cao bất khuất.

Viết về mẹ là đề tài quá quen thuộc, viết về đôi chân mẹ cũng không phải là điều quá mới. Nhà thơ Nguyễn Văn Song trong bài thơ “Đôi bàn chân mẹ” đã từng cảm xúc:

“Mùa Đông mẹ lội xuống đầm

Gót chân nứt dưới bùn ngâm tê người”

Hay nhà thơ Lê Thành Văn đã thổn thức khi “Kính dâng hương hồn mẹ”:

“Tôi cắt móng tay móng chân cho Mẹ

trước khi tiễn Người về với Tổ tiên

tôi thấy vết bùn đồng chiêm

ăn sâu vào kẽ móng”

Dường như các tác giả đều xúc động trước các ngón chân in đậm dấu ấn bùn đất của những bà mẹ nông thôn. Đó là bàn chân, ngón chân, móng chân của một đời lam lũ quanh năm suốt tháng trên đồng ruộng, gắn liền với những nhát cuốc, nhát cày, với lúa, ngô, khoai để nuôi con khôn lớn. Đó là bàn chân lẩm chẩm cố bám sát vào bùn đất để bước đi thêm vững, thêm mạnh giữa cuộc đời.

Với bài thơ “Cắt móng chân cho mẹ” nhà thơ Lê Văn Vỵ giúp ta cảm nhận rõ nét và bao quát hơn. Để diễn tả rõ ràng mạch ý ấy của bài thơ cũng như mạch cảm xúc, tác giả đã rất khéo léo sử dụng các yếu tố tự sự và miêu tả trong thể thơ 5 chữ. Cả bài thơ như một câu chuyện có thật về cuộc đời mẹ được diễn tả rõ nét qua việc đặc tả các móng chân đặc biệt. Các dấu hai chấm (:) được sử dụng hợp lý ở các câu thơ miêu tả nhằm giải thích rõ nguyên nhân các móng chân trở nên dị hình, dị dạng.

Tôi đặc biệt ấn tượng khi đọc câu thơ “Tôi băng giá cõi người”, tưởng như rất lạc lõng khi miêu tả nhân vật trữ tình giữa tất cả các câu thơ của cả bài đều tập trung diễn tả các móng chân của mẹ nhưng thực ra nó gói ghém thông điệp nhẹ nhàng mà sâu xa.

Câu thơ vừa tiếp tục mạch ý ca ngợi hình ảnh tuyệt đẹp của người mẹ, người phụ nữ Việt, vừa thể hiện cảm xúc của người con. Bởi thế, đọc bài thơ, ta vừa cảm nhận được sự xót xa, cảm thương của một người con chí hiếu đối với những hi sinh, mất mát của mẹ; đồng thời, cũng là tiếng lòng ngưỡng vọng, trân trọng, khâm phục người mẹ vĩ đại của mình.

Nhà thơ Lê Văn Vỵ là người viết rất nhiều về mẹ, đã xuất bản riêng tập thơ “Thưa mẹ” (2014) và rất nhiều bài thơ trên các tạp chí thể hiện nỗi lòng của người con chí hiếu. Bài thơ “Cắt móng chân cho mẹ” thêm một câu chuyện đẹp, một hành động ít có và đáng quý, một tấm lòng hiếu kính đáng trân trọng, đáng để chúng ta học tập.

Giữa rất nhiều tác phẩm viết về mẹ, bài thơ về một lần cắt móng chân cho mẹ của nhà thơ vẫn neo giữ trong lòng những người yêu thơ, những người con những trăn trở, thao thức khôn nguôi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...