10 năm tôn vinh di sản từ đất và lửa
Là họa sĩ, cùng tên Hiếu, 10 năm trước họ quyết định rẽ sang một hướng khác trên bước đường sáng tạo nghệ thuật.
Không chỉ là gốm đương đại kể chuyện lịch sử - văn hóa, các tác phẩm còn là những thực hành nghệ thuật tâm đắc |
Cả hai đến với gốm, nhào nặn từ đất và hỏa biến trong lửa để “nấu chín tinh thần” đem truyền thống đến với đương đại.
Ngày 28/12/2024, trong không gian số 5 Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), một cuộc trưng bày mãn nhãn với loạt tác phẩm gốm của hai nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu và Trịnh Vũ Hiếu trong hành trình “Kỷ niệm 10 năm - đất và lửa”. Trong không gian đậm chất nghệ thuật, gốm đương đại hiện hình giữa cảm giác là lạ mà cũng rất đỗi thân quen.
Yêu gốm đến tận tâm can
Những hình hài gốm, men gốm, ý tưởng gốm… dù rất quen hay rất lạ, tất cả nối kết hai phong cách sáng tác từ hai nghệ sĩ thành một cuộc rong chơi qua miền gốm đầy kỳ thú, mạo hiểm và cũng đầy tinh thần trách nhiệm.
Quen với chất liệu ngàn đời là gốm, nhưng chuyển tải trên đó những nét văn hóa dân gian, từ tín ngưỡng tam phủ - tứ phủ, những con linh thú trong đền thiêng đất Việt, quen cả trong những gam màu trầm ấm của sắc men hoa nâu gợi về một lịch sử ngàn năm gốm Việt thuộc triều đại Lý - Trần khi mà dòng gốm thuần Việt ra đời với kỹ thuật chế tác gốm hoa nâu độc đáo.
Lạ với những tạo hình dị biệt, có hình mà như vô hình, mượn chất đất, mượn cái tứ của văn hóa - tập tục - nghi lễ - đời sống nơi xứ Mường (Hòa Bình) để dẫn dắt tất cả vào đương đại, thông qua gốm, đủ cho người diện kiến phải chững lại một nhịp, tự vấn, chiêm nghiệm, và để rồi vỡ òa khi thấy trong hình lạ nhiều nét quá quen.
Những quen - lạ ấy, cùng hiện ở một điểm hẹn văn hóa thú vị. Giữa cái không khí cuối năm tất bật, người - xe qua lại lo cho một cái Tết đoàn viên, thì gốm hiện diện không phải như cố để người ta nhìn, chiêm ngắm.
Mà đơn giản, gốm đứng đó như nghìn năm trước đã thế, chẳng qua bởi sự vô tình của thế gian mà đôi khi hay nhiều lúc quên mất rằng, trên đời này có gốm. Gốm phát xuất từ cha ông, từ đời sống rất đỗi khốn khó và cũng đầy vương giả của người Việt.
Trong khi cuộc sống có nhiều tiện nghi, nhiều lựa chọn hiện đại thì sự hiện diện của gốm có vẻ thừa thãi! Nhưng không phải vậy. Trong một rừng những tiện nghi thời đại 4.0, gốm nổi bật như thỏi vàng ròng, như một bông hoa rừng hoang dại mà ngây ngất giữa những vạt hoa nhân tạo.
Vũ Đức Hiếu được biết đến với nghệ danh “Hiếu Mường”, người đã mang văn hóa Mường, di sản Mường trong từng nét gốm, màu gốm hay hình gốm. Không chỉ tái hiện cuộc sống văn hóa Mường với nhà Lang, anh còn mang Mường đến khắp nơi - như thể muốn nói “hãy giữ lại những gì sắp mất”. Và gốm là một lựa chọn để anh chuyển tải linh hồn văn hóa, tâm tình của di sản, tiếng nói của dân tộc.
Bên cạnh Vũ Đức Hiếu là người đi sâu tìm kiếm lịch sử - nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu. Tìm kiếm những lẩn khuất chen lẫn trong tro tàn nghìn năm, gốm xa xưa hiện hình trong tạo hình đương đại, mang hồn cốt dân gian. Những nét vẽ trên gốm, màu men gốm không “đi xa” lịch sử mà hòa vào gốm đương đại để kể về quá khứ vàng son.
Tất cả bắt đầu vào năm 2014, hai nghệ sĩ cùng tên không hẹn mà gặp. Họ gắn bó với gốm đến tận tâm can, cùng nhào đất, vuốt nặn hình hài gốm, hỏa biến trong lửa và chờ đợi xuyên qua những đêm khuya lạnh lẽo để được nhìn thấy bóng dáng di sản.
Cuộc chơi với đất và lửa chóng vánh 10 năm - quãng thời gian đủ dài trong một đời người ngắn ngủi, và càng đủ chín trong đời nghệ thuật của một nghệ sĩ, đã phần nào miêu tả cốt cách sáng tạo, để lan tỏa những câu chuyện đẹp về văn hóa – lịch sử tới người yêu gốm, và cả những người chưa hiểu để có thể yêu gốm.
Vào tháng 8/2024, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã giới thiệu đến công chúng Thủ đô một dòng gốm riêng mang tên “Gốm Mường” tại không gian số 85 Nhật Chiêu (Tây Hồ, Hà Nội) trong khoảng thời gian rất ngắn vỏn vẹn 2 ngày.
Từ những năm 2007, Vũ Đức Hiếu đã tạo dựng Không gian Văn hóa Mường tại số 202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), trong hình hài một bảo tàng tư nhân đầu tiên nhằm bảo tồn, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mường tại Việt Nam. Dấu mốc quan trọng trên hành trình gốm của họa sĩ là tháng 9/2014, với sự ra đời của Mường Studio cùng xưởng Gốm Mường đã tạo nên sân chơi đặc biệt dành cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước tới sáng tác với gốm.
Bằng nhiều năm nghiên cứu, học hỏi từ các nghệ nhân, cùng rất nhiều những chuyến thực địa, tìm hiểu các vùng gốm nổi tiếng khắp cả nước: Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chu Đậu (Hải Dương), Biên Hòa (Đồng Nai)... Vũ Đức Hiếu đã tạo nên một chất gốm, một tinh thần gốm rất riêng mà mọi người yêu mến định danh với tên gọi: Gốm Mường.
Tại xưởng gốm độc đáo ấy, đất tổ mối, đất sét, các nguyên liệu pha chế men tro, phụ liệu... từ mảnh đất bản địa của người Mường, đã tạo được một sắc thái gốm riêng biệt mà có lẽ đã gắn liền với nghệ danh “Hiếu Mường”.
Thành quả lớn sau quá trình tu rèn, lao động sáng tạo với anh có lẽ là Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 do Hàn Quốc tổ chức, nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên toàn thế giới.
Giải thưởng đánh giá, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường của nghệ sĩ Vũ Ðức Hiếu có thể được coi là hoạt động kiểu mẫu cho việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, nhằm hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số khẳng định bản sắc văn hóa của họ, thiết lập một sự đa dạng văn hóa hài hòa của mỗi quốc gia.
Điểm độc đáo và cũng là điểm nhận diện của gốm Mường chính là ở phom - dáng. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho rằng, thế giới hiện vật của người Mường đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhìn nhận và thẩm mỹ trong quá trình họa sĩ sưu tầm. Ảnh hưởng của văn hóa Mường chính là nguồn cảm hứng dẫn dắt tư duy tạo hình như mạch nguồn cảm xúc giàu tính biểu hiện phồn thực của cấu trúc sinh học, gợi liên tưởng tới các biểu tượng nguyên thủy.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhìn các hiện vật gốm của Vũ Đức Hiếu và đi đến khẳng định, gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá. Có được các hòa sắc này là quá trình dài nghiên cứu, thể nghiệm các công thức pha trộn men hữu cơ (men tro) cổ truyền và một số chất vô cơ phổ biến trong kỹ thuật tạo men gốm hiện đại.
Xương gốm, nhờ sử dụng đất tổ mối, đôi khi kết hợp đất Samot cho phép Vũ Đức Hiếu nung ở nhiệt cao những hình khối phức tạp của ngôn ngữ điêu khắc và tạo ra bề mặt gốm giàu cảm xúc tự nhiên. Với gốm Mường, Vũ Đức Hiếu trước hết đã tạo được nhiều tác phẩm điêu khắc riêng, độc đáo, sau đó là nỗ lực tôn vinh văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa Mường nói riêng.
Cùng với Vũ Đức Hiếu, người có chung chí hướng sáng tạo là nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu - một nhà thiết kế trang trí nội thất, một họa sĩ với những tác phẩm hội họa trừu tượng, rồi chuyển sang chế tác gốm mỹ thuật.
Chặng đường sáng tác của anh như một biến thiên rất tự nhiên, giản đơn, không câu nệ, gượng ép hay bó buộc, cảm giác như một cuộc dạo chơi thảnh thơi để từ đó đúc kết nên những nghệ phẩm đậm dấu ấn đương đại.
Triển lãm đầu tay của Trịnh Vũ Hiếu từ những năm 2016 chính về dòng gốm hoa nâu, với cảm hứng sáng tác từ nền tảng là các hiện vật gốm cổ thuộc hai triều đại Lý – Trần chính là một minh chứng cụ thể về một cuộc dạo chơi thảnh thơi, không gượng ép, bó buộc.
“Tôi yêu thích gốm hoa nâu về tạo hình đến ý tưởng sáng tác khi nhìn trên gốm có thể đoán biết ngay tinh thần và lối sinh hoạt của người xưa. Từ sự thanh bình của một xã hội ổn định thời Lý thấy các tác phẩm gốm mang hoa văn lạc quan, đường nét tinh tế, bay bổng đến những đanh chắc, mạnh mẽ như đề tài đấu vật, săn bắn của thời Trần – tất cả hiện hình trên gốm. Tôi mượn tinh thần đó sáng tác gốm hoa nâu mang phong cách riêng, thể hiện thủ pháp, tư tưởng, với trang trí theo bố cục duy mỹ của bản thân trong từng giai đoạn, từng hiện vật”, nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu chia sẻ.
Trong giới nghệ thuật, Trịnh Vũ Hiếu là tay chơi ưa mạo hiểm, luôn tìm kiếm những cảm hứng và ngôn ngữ mới cho các tác phẩm. Đến với gốm, từ một người không biết nghề sẵn sàng lọ mọ theo học, cho đến khi toại nguyện với tay nghề nghệ nhân – nghệ sĩ. Đến nay, anh đã định hình một xưởng gốm, tự tay hoàn thiện các công đoạn của một thợ gốm chuyên nghiệp.
Năm 2021, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA, Trịnh Vũ Hiếu gây bất ngờ với nội dung sắp đặt tác phẩm gốm đương đại với tên gọi “Loong Koong”. Với mong muốn giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống, anh đã đưa những nét tranh dân gian Hàng Trống hòa với gốm để tạo ra các sản phẩm gốm có tính ứng dụng trong nhịp sống hiện đại.
Nếu như tranh Hàng Trống mỏng manh, huyền hoặc với những thông tin tín ngưỡng, thờ cúng, lễ hội… được lưu truyền và khắc họa trên mặt phẳng, với những sắc màu cơ bản và dễ phai tàn theo thời gian; thì gốm lại là sự bền vững trường tồn, là những khối nổi hiện hữu, không gian mở với bản tính nghệ thuật đa dạng, tính ứng dụng cao.
Lựa chọn những điểm mạnh và điểm yếu cố hữu của tranh và gốm, Trịnh Vũ Hiếu đã tiếp cận là đưa hai chất liệu gốm và tranh Hàng Trống hòa vào làm một. Sự kết hợp này đã tạo ra vũ điệu lạ lùng để người xem thấy được những giá trị văn hóa - lịch sử - nghệ thuật đã tồn tại, đã dung hòa, đã trở nên sống động thế nào trong bối cảnh đương đại.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, gốm của Trịnh Vũ Hiếu là “gốm mỹ thuật”, thể hiện tính độc lập của tác phẩm khi đặt trong cuộc sống và tràn đầy tính thẩm mỹ, là một sự điều hòa cân bằng xinh xắn giữa cái cũ và cái mới. Nếu lắng nghe chất men mới, nét khắc trên gốm và dòng chảy của lịch sử về văn hóa dân gian, sẽ thấy gốm “Loong Koong” là một cuộc đối thoại của truyền thống và hiện đại.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nghệ sĩ sử dụng chất liệu gốm để làm nghệ thuật nhưng gốm mỹ thuật đương đại đang là một lĩnh vực khó và khá hiếm nghệ sĩ thành công. Trịnh Vũ Hiếu đã phải trả giá rất đắt trong nhiều năm và hao tổn nhiều tâm huyết để đưa được yếu tố mỹ thuật vào gốm công năng truyền thống.
Từ khi khởi nguồn ý tưởng đến khi tạo ra sản phẩm đầu tiên, nghệ sĩ đã phải mày mò, trăn trở, đánh đổi rất nhiều những giá trị cả về tinh thần, vật chất và phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được tác phẩm thành vóc thành hình như hiện tại. Bên cạnh tay nghề kỹ thuật, còn chất men mờ được nghệ sĩ phủ lên nét vẽ - là một bước tiến lớn so với các chất men truyền thống.
“Tôi từng tham gia khá nhiều chương trình nghệ thuật quốc tế, và nhận ra rằng kể câu chuyện văn hóa bằng nghệ thuật là cách tiếp cận nhanh nhất và hiệu quả. Khi người dân xem nghệ sĩ sáng tác, chính họ cũng nâng cao cái nhìn về nghệ thuật, thẩm mỹ, giúp họ tiếp cận các nền văn hóa khác.
Nghệ sĩ quốc tế cũng vậy, thông qua người dân, họ hiểu hơn văn hóa bản địa. Một điểm lợi ở các sự kiện nghệ thuật tại Không gian Văn hóa Mường là nghệ sĩ trong nước không cần phải đi xa mà vẫn có cơ hội giao lưu, trao đổi nghề nghiệp với nghệ sĩ quốc tế, là cầu nối dẫn đến nhiều hoạt động nghệ thuật khác”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ.