A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng nghệ thuật đương đại: Tái hiện làng nghề Thăng Long xưa

Triển lãm 'Thiên Quang' đem đến góc nhìn độc đáo khi tái hiện những vàng son của vùng đất Thăng Long xưa.

Không gian triển lãm 'Thiên Quang' với trung tâm là tác phẩm 'Giếng Thiên Quang'.

Không gian triển lãm 'Thiên Quang' với trung tâm là tác phẩm 'Giếng Thiên Quang'.

Soi chiếu và tôn vinh nghề truyền thống

Là triển lãm thứ ba trong chuỗi dự án nghệ thuật “Dấu xưa văn hiến”, tiếp nối thành công của “Dấu xưa văn hiến” năm 2022 và “Soi bóng Thăng Long” năm 2023. “Thiên Quang” tập trung tái hiện sự phát triển của các làng nghề nổi tiếng như: Ươm tơ dệt lụa, dệt - nhuộm vải, thêu thùa, đúc đồng, kim khí - chế tác vàng bạc, nghề mộc, sơn mài, vàng mã, khắc con dấu, đóng thuyền bè, làm buồm, làm dây chão…

Là triển lãm được tổ chức “xuyên Tết” và kéo dài đến gần hết tháng 3/2025 tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Thiên Quang” đang là một trong những trưng bày nghệ thuật độc đáo nhất của các nghệ sĩ trẻ đam mê với di sản văn hóa dân tộc nói chung và với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng.

TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, “Thiên Quang” - huyền tích về ánh sáng thiêng liêng của Trời và Đất, soi chiếu khắp các chiều bề không gian và thời gian của Thăng Long, mở ra câu chuyện về các nghề thủ công truyền thống. Đó cũng là sự tôn vinh gửi đến các làng nghề đã định hình nên “băm sáu phố phường” – biểu tượng của Thăng Long.

Triển lãm giới thiệu 10 tác phẩm của 9 nghệ sĩ được sáng tác, sắp đặt theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng, từ sơn mài, lụa, gốm, giấy dó đến sắt, inox, mica, kính, các loại sơn dầu, acrylyc, tổng hợp. Đặc biệt, ánh sáng được khai thác làm yếu tố trung tâm, tạo nên không gian triển lãm tự do, phóng khoáng, tương tác với mọi chiều không gian.

Trong không gian cổ kính, trầm ấm của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ánh sáng từ “Thiên Quang” không chỉ giúp soi chiếu đến ngọn nguồn gốc tích lịch sử các nghề mà còn làm cho tác phẩm trở nên nổi bật, giống như cách chúng ta soi chiếu một vật thể nhỏ dưới ống kính phóng đại.

Họa sĩ Phan Minh Bạch và Hà Phạm đem đến “Giọt hạnh - Tơ vàng” nhằm tôn vinh phẩm hạnh người phụ nữ Việt qua biểu tượng thuyền lụa và kén tơ vàng. Với khung cửi sơn mài ánh màu kim ngân, lụa tơ tằm nhuộm thủ công, cùng các chi tiết dát vàng lá tỉ mỉ đã khắc họa sự tài hoa, cần mẫn của các làng nghề truyền thống.

Lấy cảm hứng từ con số 5 trong triết lý người Việt: Ngũ hành, ngũ sắc, ngũ phương, ngũ vị, ngũ tạng, họa sĩ Nguyễn Đức Hùng đã sáng tác bộ năm tác phẩm độc đáo mang tên: Quốc sắc thiên hương, Ánh sắc thời gian, Linh khí trời đất, Hương tỏa ngát trời xa, Danh thơm nức tiếng. Các tác phẩm thể hiện trên giấy dó bồi mâm nhôm cùng hàng vạn nét chấm bút li ti. Các họa tiết hoa văn cổ xưa hòa quyện với sắc màu nhân sinh nhằm tái hiện giá trị di sản trong ngôn ngữ mới nghệ thuật đương đại.

Vũ Xuân Đông đem đến tác phẩm “Chạm” là những ngọn đèn hình hạt lúa vẽ tay hoa văn đặc trưng từ thời Đông Sơn đến các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn nhằm gợi nhớ về nghề chạm khắc đồng, bạc. Bên cạnh đó là tác phẩm “Giếng” tái hiện hình ảnh giếng cổ Hà Nội thể hiện suy tư về ánh sáng tri thức.

“Thi thoảng tôi bắt gặp các giếng cổ còn sót lại ở di tích hay làng cổ nào đó ở Hà Nội. Soi mình xuống giếng, tôi cảm nhận những câu chuyện mà người xưa muốn kể. Những đêm trăng hay buổi trưa hè, giếng còn như những bức tranh tròn. Vì thế mà làm bức tranh tròn, tái hiện tâm tư tình cảm với các hoa văn cổ xưa và những hình tượng buôn bán, làm quạt giấy của Thăng Long xưa”, họa sĩ Vũ Xuân Đông cho hay.

ung-dung-nghe-thuat-duong-dai-tai-hien-lang-nghe-thang-long-xua-1.jpg

Tác phẩm 'Giọt hạnh - Tơ vàng', của Phan Minh Bạch và Hà Phạm tôn vinh phẩm hạnh người phụ nữ Việt qua biểu tượng thuyền lụa và kén tơ vàng.

Dùng ánh sáng đề cao giá trị tri thức

Nghệ sĩ Lê Thanh lại khắc họa vẻ đẹp tinh tế của ẩm thực Hà Nội qua cách kết hợp giữa đồ họa, điêu khắc và hội họa. Chị cho rằng, đó là những món ngon của Hà Nội. Tất cả 9 món ăn trong Book Art đều được vẽ tay nên người xem có thể cảm nhận chân thực.

“Về tổng thể thì ẩm thực nằm trong chuỗi các nghề của Hà Nội. Do đó, những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô”, họa sĩ Lê Thị Thanh cho hay.

ung-dung-nghe-thuat-duong-dai-tai-hien-lang-nghe-thang-long-xua-3.jpg

Các tác phẩm kết hợp chất liệu truyền thống và hiện đại với các chi tiết hoa văn cổ xưa, nhằm tái hiện các giá trị của di sản văn hóa.

Nguyễn Tuấn Dũng lại tái hiện lại hình ảnh lao động sản xuất, trồng lúa, trồng hoa và những nghề đặc trưng ở ngoại thành Hà Nội trên những mảnh composite trong hình ipad, smartphone, đèn led… Phía trên là vòng tròn ánh sáng vầng dương - biểu tượng cho ánh sáng của Trời, tạo sự kết nối giữa giá trị cổ xưa và thế giới hiện đại.

Nghệ sĩ Vũ Lê Tùng với bộ tác phẩm “Màu thời gian” tái hiện nghề làm gốm qua các lớp sắt cắt laser tạo hình ngọn lửa - biểu tượng khởi nguồn của sự bắt đầu. Các hình ảnh quy trình chế tác gốm, từ làm đất, nặn, vẽ men đến nung hoả biến… đều được thể hiện tinh tế trong không gian đa chiều, gợi nhắc vai trò các làng gốm trong sự phát triển của kinh đô Thăng Long.

Tác phẩm sắp đặt “Thiên đăng” từ chất liệu gốm kết hợp ánh sáng của Nguyễn Trường Giang lại đem đến ấn tượng khác lạ. Tác phẩm được tạo hình từ hơn 40 chiếc đèn gốm nhỏ hợp lại thành vòng vô cực có sự chuyển động uyển chuyển, không có điểm bắt đầu hay kết thúc.

Tác phẩm trung tâm có tên “Giếng Thiên Quang” cũng là tác phẩm chung mà 9 nghệ sĩ đã kết hợp cùng sáng tạo, lấy cảm hứng từ di sản giếng Thiên Quang tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tác phẩm được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật thể hiện các nghề truyền thống, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, bề dày văn hóa và lịch sử của vùng đất Thăng Long.

Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho hay, các nghệ sĩ với mong muốn tạo nên những tác phẩm đương đại nhưng vẫn mang đậm những giá trị truyền thống, đưa đến cho du khách và công chúng những tác phẩm độc đáo. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của Hà Nội và thực hiện chủ trương khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...