Đời sống văn hoá 2024: Những điểm sáng và kỳ vọng vào tương lai
Năm 2024 khép lại với nhiều sự kiện văn hoá đáng chú ý, trong đó có nhiều điểm sáng và cả những tồn tại, thách thức. Vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước được nhìn nhận ngày càng sâu sắc hơn, đồng thời các lĩnh vực văn hoá cũng giành được nhiều sự quan tâm hơn của toàn xã hội. Báo Nhà báo & Công luận xin điểm lại một số điểm sáng nổi bật trong đời sống văn hóa một năm qua.
Chính sách văn hóa 2024: Nền tảng mới cho sự phát triển bền vững
2024 là năm mà ngành văn hóa đón nhận những thay đổi tích cực từ góc độ chính sách. Hàng loạt quyết sách của Quốc hội và Chính phủ được xem là cú hích lớn, tạo xung lực mới cho sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể thao.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chính thức được thông qua. Luật này không chỉ giải quyết những bất cập trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa mà còn phản ánh tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về hòa hợp giữa bảo tồn và phát triển. Điểm mới của luật là đặt di sản văn hóa vào trung tâm của các chính sách phát triển, khuyến khích cộng đồng tham gia và thụ hưởng giá trị di sản.
Cùng với đó, Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với tổng ngân sách hơn 122.000 tỷ đồng. Đây được coi là “bệ phóng” quan trọng giúp văn hóa Việt Nam hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng trong năm 2024, Chính phủ ban hành 2 quy hoạch lớn về văn hóa, thể thao và du lịch, khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho sự đột phá, phát triển của ngành. Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến các mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.
Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh
Ngày 8/5/2024, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO với sự đồng thuận đánh giá cao của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới và 23/23 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (tên gọi khác là Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế) do vua Minh Mệnh ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay. Cửu đỉnh thể hiện trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam. Với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây cũng là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
Ngày 4/12, tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 diễn ra tại Asunción (Cộng hòa Paraguay), UNESCO đã ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bà Chúa Xứ là vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch, trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam. Lễ hội bao gồm các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở. Lễ hội có sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa.
Với sự kiện này, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Điều đó khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản, đề cao sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại, và cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Việc ghi danh cũng sẽ tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở địa phương, cộng đồng dân cư.
Phát hiện quan trọng tại Khu di chỉ Vườn Chuối
Cuộc khai quật trên tổng diện tích 6.000m2 ở phía Tây Di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) từ tháng 3/2024 đã đem lại những kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu lịch sử - khảo cổ thời tiền sơ sử ở Hà Nội và khu vực. Một số nhà khoa học cho rằng, những phát hiện mới cho thấy khu di chỉ Vườn Chuối không khác gì là một Hoàng thành Thăng Long thứ hai. Theo đó, Vườn Chuối là một ngôi làng Việt cổ đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài trên 2000 năm, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 đến 4.000 năm. Những kết quả này còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử, khẳng định thời đại Hùng Vương dựng nước trong lịch sử dân tộc không hề là truyền thuyết.
Những kết quả khai quật mới thu được cho thấy, xuất hiện nhiều giá trị mới và quý hiếm, đòi hỏi đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối. Vì vậy, cần có cách ứng xử với di sản văn hóa trong bối cảnh mới.
Những cú hích làm nên kỳ tích cho ngành công nghiệp văn hóa
Năm 2024 chứng kiến sự thăng hoa của ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nhà nước đang đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các sự kiện văn hóa, giải trí tạo ra bầu không khí sôi động trên khắp cả nước như Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I – Nha Trang 2024, 8Wonder, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2024, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, đặc biệt là concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”…
Nếu nhiều năm gần đây, thị trường giải trí Việt thường được “gọi tên” vì những lùm xùm với các ồn ào phát ngôn, hành vi lệch chuẩn của giới showbiz, thì năm 2024 này, hai show “Anh trai” xứng đáng được coi là điểm nhấn quan trọng nhất. Những ngày cuối năm, hai show “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” lần lượt được xướng tên hạng mục “Chương trình truyền hình truyền cảm hứng” và “Hiện tượng số của năm” tại Vietnam iContent Awards 2024. Trước đó, công chúng nhiều lần chứng kiến cảnh hàng trăm nghìn người xếp hàng mua vé (dù không hề rẻ); vé dự kiến bán cả ngày nhưng nhanh chóng bị sập web vì quá tải, bị vét hết sạch chỉ sau chưa đầy 1 tiếng... Cảnh tượng này khiến nhiều người thực sự choáng, bởi thường chỉ bắt gặp ở show diễn của các ngôi sao đẳng cấp thế giới. Cơn khát vé của các “show Anh trai” khiến “bão” Black Pink ở Sân vận động Mỹ Đình năm trước chỉ còn là dư âm. Những khán giả từng chứng kiến nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc làm mưa làm gió và ao ước rằng “Bao giờ ca sĩ Việt Nam làm được thế này?”, thì nay đã được các “anh trai Việt” trả lời bằng những show diễn đông nghẹt khán giả. Không chỉ có vậy, sức nóng của những “anh trai Việt” được cho là dẫn đến hai đêm concert của K-pop dự kiến tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào giữa tháng 11 phải huỷ vì ế vé. Có chuyên gia còn cho rằng, hai show “Anh trai” đã trở thành “diễn ngôn giải trí” của giới trẻ Việt trong năm 2024...
Sức nóng của các concert trong show diễn “Anh trai” đã và đang kéo khán giả trẻ vốn trước đây chủ yếu sính ngoại, đặc biệt là “cuồng” K-pop trở về với nhạc Việt. Quan trọng hơn, hiệu ứng của các chương trình này tác động tới nhiều bên trong hệ sinh thái giải trí Việt, khiến giới chuyên môn kỳ vọng vào bước phát triển mới của thị trường âm nhạc nội địa. Sự thành công ngoài mong đợi của các concert “anh trai” cũng khiến nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam bây giờ không thiếu nghệ sĩ và nhà sản xuất tài năng, nhưng còn thiếu những cơ hội để họ trổ tài và thứ nghệ sĩ trẻ Việt Nam thiếu bây giờ là đất diễn.
Ở lĩnh vực điện ảnh, bên cạnh sự thành công đáng ngưỡng mộ của cặp “đạo diễn ngàn tỷ” Trấn Thành và Lý Hải với hai tác phẩm nổi bật của năm là“Mai” và “Lật mặt 7”, thì bộ phim Nhà nước“Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng tạo cơn sốt phòng vé trong những ngày tháng 2/2024, để rồi thu về 21 tỷ đồng, mang lại nhiều hy vọng rằng dòng phim ngân sách Nhà nước vẫn có chỗ đứng khi được đầu tư và khai thác đúng cách.
Những vấn đề còn tồn tại và kỳ vọng vào tương lai
Trong bức tranh màu hồng của năm 2024, ngành văn hóa vẫn còn nhiều “hạt sạn” đáng tiếc. Cơn “bão sao kê” hồi tháng 9 sau cơn bão số 3 là điểm trừ đáng tiếc trong làng giải trí khi nhiều người nổi tiếng, ngôi sao giải trí bị bóc trần lối sống giả tạo, khoe mẽ. Những màn “Check VAR” trước các thông tin ủng hộ đồng bào bị bão lũ đặt ra vấn đề đạo đức và minh bạch trong hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, sự việc dù giúp làm rõ một số góc khuất cũng gây ra hiện tượng “đấu tố” không cần thiết trên không gian mạng, tạo cơ hội để một vài cá nhân lên mạng xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín người khác.
Ngoài “bão sao kê”, vẫn còn tình trạng một số nghệ sĩ Việt thiếu nhận thức chính trị và coi thường pháp luật. Chẳng hạn như trường hợp của vợ chồng Ngọc Mai - Quốc Nghiệp đăng tải video gia đình lên mạng xã hội, trong đó có lá cờ của chế độ cũ, hay ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài gây phản cảm. Bên cạnh đó, không ít những lùm xùm đáng tiếc như những tranh luận trái chiều về quy chế tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024”, rồi sự cố hủy giải Nhất tại Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Truyền thống TPHCM lần thứ 49 năm 2024…
Dẫu vậy, năm 2024 khép lại với những dấu ấn đáng tự hào trong lĩnh vực văn hóa. Từ những chính sách mang tầm nhìn chiến lược, những phát hiện khảo cổ quý giá đến sự thăng hoa của ngành công nghiệp văn hóa, tất cả đã góp phần khẳng định sức mạnh mềm của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những sự kiện như việc Cửu đỉnh và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, hay các chương trình nghệ thuật làm “cháy vé” đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt, vừa đậm đà bản sắc, vừa không ngừng đổi mới và sáng tạo.
Năm 2024 có thể xem là một năm của bước đệm và hy vọng. Tuy hành trình đưa văn hóa thực sự trở thành trụ cột phát triển đất nước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng với sự đồng lòng từ các cơ quan quản lý, giới chuyên gia, nghệ sĩ và toàn xã hội, văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình, không chỉ là tài sản vô giá mà còn là nguồn lực bền vững cho sự phát triển tương lai.
Hữu Kế - Tiến Toàn