A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sân khấu truyền thống có "đủ sức" giữ khách?

Di sản nghệ thuật truyền thống luôn vô cùng đặc sắc, phong phú rất cần được quảng bá đến du khách để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT

Nghệ sĩ các nhà hát trực thuộc Bộ VH,TT&DL đang bận rộn với những đêm diễn tổng duyệt chương trình của dự án “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ phục vụ khách du lịch” ở Hà Nội, trong những ngày cuối khép lại năm 2024 (từ 29 - 31/12).

Tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt vở “Cành khế ngọt” (Tác giả, đạo diễn: TS.NSND Triệu Trung Kiên). Ở rạp Hồng Hà, Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn các trích đoạn “Kim Lân qua đèo”, “Ôn Đình chém Tá” trong vở tuồng cổ “Sơn Hậu”.

Trong đó, vở diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam kể câu chuyện cách đây gần thế kỷ mà có sự kết hợp giữa cải lương với nhạc kịch. Cùng với đó, không gian biểu diễn được thay đổi, không phải ở sân khấu hộp tại rạp hát mà trong ngôi nhà di sản với sự bài trí có những giao hòa gần gũi giữa khán giả và nghệ sĩ.

Còn các trích đoạn do nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn lại đem đến cho khán giả những vẻ đẹp ngàn xưa của nghệ thuật tuồng, từ hóa trang đến vũ điệu và đặc biệt là tính chất kỳ ảo, khoa trương, bạo liệt đầy tính cách điệu.

Ngoài ra, dịp này khán giả còn được thưởng thức bản hòa tấu “Nhạc chiêu ban”, “Chiến ban tẩu mã” và khám phá lịch sử tuồng qua bộ sưu tập trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, mô hình nhân vật trong các vở kinh điển; qua những câu chuyện về các chặng đường hình thành, phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Theo thông tin từ ban tổ chức, các chương trình này nằm trong đề án xúc tiến du lịch với mong muốn đem lại cho du khách những trải nghiệm văn hóa độc đáo trong các di sản kiến trúc ở phố cổ.

Sau tổng duyệt, từ đầu năm 2025, chúng sẽ được đưa vào khai thác bán vé. Có thể thấy, đây là chuyện vui của kịch hát dân tộc nước nhà. Vừa bước sang năm mới, tuồng, cải lương đã có cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng với du khách, nhất là trước bạn bè quốc tế.

Thực ra, đây không phải là lần đầu nghệ thuật truyền thống làm chương trình du lịch. Trước đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng từng tổ chức suất diễn cố định hàng tuần tại rạp Hồng Hà; Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Chèo Hà Nội mở sân khấu nhỏ tại rạp Kim Mã và Nguyễn Đình Chiểu. Vậy nhưng, sau những hào hứng, hồ hởi ban đầu thì các suất diễn cứ ngày càng vắng khách để rồi phải lặng lẽ dừng lại.

Thất bại không có nghĩa là nản lòng. Kinh nghiệm rút ra từ đó vô cùng cần thiết để tiếp tục vươn tới. Trong khi di sản nghệ thuật truyền thống luôn vô cùng đặc sắc, phong phú rất cần được quảng bá đến du khách để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Lần này, với lưng vốn khá đủ đầy từ nguồn đầu tư của Nhà nước qua đề án xúc tiến du lịch cộng thêm những bài học đã qua và sự nhạy bén mới, mong rằng các chương trình này sẽ hoạt động bền vững, hiệu quả, đủ sức giữ chân du khách đến với không gian phố cổ!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...