A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Hoa dọc mùng" - triển lãm tranh khắc gỗ ấn tượng của Dương Xuân Quyền

Triển lãm tranh khắc gỗ “Hoa dọc mùng” của họa sĩ trẻ Dương Xuân Quyền diễn ra tại 16 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trưng bày hơn 30 tác phẩm độc đáo về loài hoa thôn dã, mộc mạc đã truyền tải tới người xem những câu chuyện riêng mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

"Hoa dọc mùng" là triển lãm cá nhân thứ 3 trong sự nghiệp nghệ thuật của Dương Xuân Quyền. Họa sĩ dường như muốn trải nghiệm mọi chất liệu của hội họa từ sơn dầu, acrylic… đến khắc gỗ để khai thác vẻ đẹp của loài hoa rất dân dã, bình dị này.

Họa sĩ Dương Xuân Quyền (người cầm mic) phát biểu khai mạc triển lãm “Hoa dọc mùng”
Họa sĩ Dương Xuân Quyền (thứ 2 từ phải qua) phát biểu khai mạc triển lãm “Hoa dọc mùng”

Lựa chọn chất liệu cũ, chủ đề quen để ra những tác phẩm mới lạ, độc đáo không lẫn với bất kỳ họa sĩ nào, Dương Xuân Quyền đã dần khẳng định được tên tuổi của mình qua triển lãm “Hoa dọc mùng”.

Trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật, Dương Xuân Quyền theo đuổi trường phái tả thực trên chất liệu khắc gỗ truyền thống. Chính vì vậy, những tác phẩm nghệ thuật của anh luôn mang đến những xúc cảm đặc biệt cho người xem qua những đường nét trau chuốt và tinh tế với bút pháp mạnh mẽ, gam màu trầm ấm cùng với sự phối hợp hoàn hảo của bố cục, ánh sáng.

Đông đảo người xem tranh đứng trầm ngâm trước các tác phẩm tại triển lãm
Đông đảo người xem tranh đứng trầm ngâm trước các tác phẩm tại triển lãm

Tranh khắc gỗ thường có thời gian hoàn thành khá lâu, được đánh giá cao về giá trị mỹ học và trở thành biểu tượng của hội họa xứ Phù Tang. Chính vì vậy khi họa sĩ trẻ Dương Xuân Quyền cho ra mắt triển lãm solo lần này với toàn bộ các tác phẩm tranh khắc gỗ màu thực sự gây ngỡ ngàng cho giới nghệ thuật. Đây được coi là triển lãm hiếm hoi dành riêng cho tranh khắc gỗ tại Việt Nam.

Những gam màu ấm áp trong tác phẩm của triển lãm tranh khắc gỗ “Hoa dọc mùng”
Những gam màu ấm áp trong tác phẩm của triển lãm tranh khắc gỗ “Hoa dọc mùng”

Khi được hỏi về chủ đề của triển lãm vừa quen lại có cách thể hiện quá đỗi lạ, Dương Xuân Quyền chia sẻ về ấn tượng với loài hoa bình dị, nửa e ấp, nửa gọi mời này: “Những khóm dọc mùng vẫn lớn lên từ khô cằn sỏi đá hay từ bùn lầy để vươn tàu xanh mướt, góp phần làm cho cuộc sống thêm đẹp. Chính vì vậy đã không ít lần tôi muốn ghi lại vẻ đẹp mộc mạc ấy cho đời chiêm ngưỡng.

Nếu như trước đây, đối tượng tôi vẽ chỉ thuần túy là cây dọc mùng nhưng lần này dường như tôi đã cởi mở hơn với chính mình. Trong tranh đã xuất hiện hình ảnh con bướm, chú chim, chú mèo, cỏ cây và con người làm cho khung cảnh trong tranh thật đáng yêu”.

Phải rất yêu thiên nhiên, mở lòng mình thì tâm hồn họa sĩ mới có thể hòa mình vào thiên nhiên, cho hồn quê thấm đẫm vào từng thớ thịt và vun đắp thành những tác phẩm như vậy.

"Tôi đã dùng tất cả đam mê và nhiệt huyết cùng thời gian trong ngày để vẽ những bức tranh mới, hằng mong mỗi tác phẩm hoàn thiện là một câu chuyện, một kỉ niệm đánh dấu quãng thời gian đắm chìm với khao khát làm đẹp cho mình, cho đời" - hoạ sĩ Dương Xuân Quyền chia sẻ với khán giả xem tranh về các tác phẩm của mình.

Ngắm tranh của Dương Xuân Quyền chợt ngộ ra triết lý nhân sinh ý nghĩa về cuộc sống mà tác giả gửi gắm vào những cảnh tưởng như rất bình yên: “Hoa dọc mùng muôn đời vẫn là hoa dọc mùng, cho dù người đời có lãng quên thì dọc mùng vẫn cứ vươn lên trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Phải chăng, vì bị lãng quên và không được chú ý mà mùng hoa tự do bung nở không gặp trở ngại. Đổi lại, nếu quá được quan tâm và chăm bón có khi bị cắt đem cắm vào lọ mà từ từ héo tàn rũ rượi trong chiếc bình bằng gốm hay thuỷ tinh… Đời người cũng thế, được bình an sống cho đến khi lìa đời đã là quá hạnh phúc, không nhất thiết phải nổi bật, rực rỡ như những hoa sen, hoa hồng…

Bởi tất cả chỉ là "sống gửi" rồi lại tan biến như hạt sương buổi sáng và hôm sau hạt sương mới lần lượt sinh ra nên ta hãy trân trọng từng khoảnh khắc trong từng khoảnh khắc, dù có là buồn hay vui”.

Hoạt động kéo dài đến hết ngày 23/9 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết