Bảo vệ sức sống của ca trù Hà Nội
Tròn 14 năm ca trù được vinh danh là di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đến nay, là một trong những cái nôi lớn của di sản, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm góp phần dần đưa di sản này ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 16 nhóm, Câu lạc bộ ca trù đang hoạt động. Các câu lạc bộ này về cơ bản vẫn đang duy trì hoạt động, thực hành di sản đều đặn thường xuyên và tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy đàn hát ca trù. Đặc biệt, ngoài các điểm biểu diễn cố định vẫn duy trì của giai đoạn trước, trong cộng đồng đã xuất hiện thêm một số điểm trình diễn định kỳ hoặc theo sự kiện như Cao Sơn trà quán (Khâm Thiên, Đống Đa), hay điểm biểu diễn Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Ocean Park, Gia Lâm)... Điều này cho thấy sự mở rộng ảnh hưởng của hát ca trù đến một bộ phận nhân dân.
Năm 2019, Hà Nội tổ chức Liên hoan tài năng trẻ ca trù lần thứ 2, nhiều nhân tố mới nổi lên khi còn trẻ nhưng đã nắm được một số thể cách ca trù cơ bản, một bộ phận khác còn thực hành khá nhuần nhuyễn các thể cách khó, kinh điển. Sau kỳ liên hoan này, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã đánh giá: Liên hoan lần này cho thấy Hà Nội đang có lớp nhân tố mới với vốn hiểu biết và khả năng thực hành ca trù phong phú. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Ðó chính là biểu hiện về mức độ phổ biến của ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Tiết mục trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba - năm 2022. |
Tiếp nối thành công của Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội năm 2016 và năm 2019, Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba - năm 2022 do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức với sự tham gia của 12 nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội. Với đề tài phong phú, đa dạng, các nhóm, câu lạc bộ đã rất nhiệt tình tham dự Liên hoan, có sự luyện tập nghiêm túc. Điều đáng mừng là có những tiết mục được trình diễn bởi ba thế hệ trong một gia đình.
Tại Liên hoan, nghệ nhân nhân dân Ngô Văn Đảm 94 tuổi, bày tỏ vui mừng khi Thành phố đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù trên địa bàn Hà Nội. Dù tuổi đã cao nhưng hiện nghệ nhân nhân dân Ngô Văn Đảm vẫn nỗ lực truyền nghề cho thế hệ sau.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, vẫn còn những tồn tại, phát sinh trong quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội. Ví như thế hệ kế cận hát ca trù thường xuyên không ổn định và có biến động về số lượng và con người, đối diện với nguy cơ bị thiếu hụt nếu không có các biện pháp bảo vệ thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai công tác đề nghị xét tặng nghệ nhân, phát sinh một khâu công việc và một số khó khăn như: Nhiều nghệ nhân dù đã được hướng dẫn, lập hồ sơ chi tiết, song do tuổi cao, tuy thực hành di sản rất tốt nhưng việc xây dựng hồ sơ còn sơ sài, không mô tả được chi tiết tri thức nắm giữ, quy trình thực hành... Do đó, cán bộ hướng dẫn phải hướng dẫn, giúp đỡ để nghệ nhân hoàn thành hồ sơ.
Có những trường hợp hết sức đặc thù như ca nương Nguyễn Thu Thảo - Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà được truyền dạy ca trù trong gia đình khi còn rất nhỏ (4 tuổi), dày công khổ luyện, trở thành giọng ca tài năng, trình diễn trong suốt 20 năm, có nhiều giải thưởng, nhiều đóng góp quan trọng cho thành tích chung của ca trù Hà Nội tại các cuộc Liên hoan Ca trù toàn quốc và trình diễn giao lưu, quảng bá ca trù ra nước ngoài, đã truyền dạy được các học trò... Tuy nhiên, khi đề xuất xét tặng hồ sơ năm 2020 thì cũng là lúc vừa được xét tuyển viên chức của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Do đó theo quy định của Nghị định 62/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và các hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì không được xét tặng Nghệ nhân vì là đối tượng đang hưởng lương Nhà nước
Điều này gây ra sự hụt hẫng với các nghệ nhân, bởi quá trình cống hiến trước đó không được ghi nhận trong hồ sơ xét tặng. Nếu muốn được xét tặng, ca nương phải bỏ công việc ổn định hiện tại, hoặc phải chờ tới khi nghỉ hưu và chờ thêm tiếp cho đến khi đủ thời gian sau nghỉ hưu để làm hồ sơ xét tặng. Điều này vô hình trung sẽ gây khó khăn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù, bởi trong nghệ thuật ca trù, để có được một nhân tố tài năng như vậy cần rất nhiều thời gian và rất khó. Một số trường hợp khác, các nghệ nhân có cống hiến và đã được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, nhưng khi đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” thì lại xét đến số năm nghỉ hưu chưa đảm bảo quy định, cũng gây những hụt hẫng nhất định cho nghệ nhân. Đây là những bất cập rất cần được quan tâm giải quyết.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù và tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản hát ca trù bằng nhiều hình thức. Giới thiệu nghệ thuật, trình diễn hát ca trù tại các điểm di tích, đưa vào nội dung các tour du lịch. Bên cạnh đó, đãi ngộ, động viên, tôn vinh nghệ nhân, tài năng trẻ, người thực hành di sản kịp thời; tạo môi trường thực hành rèn luyện giao lưu nâng cao chuyên môn...
Phương Bùi