Thế cuộc mới ở Ukraina
Sau cuộc trưng cầu dân ý ở bốn vùng lãnh thổ tại Ukraina về gia nhập Liên bang Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo bốn vùng lãnh thổ ấy đã ký kết hiệp định về sự gia nhập này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì lễ ký kết hiệp định về việc 4 vùng lãnh thổ Ukraina sáp nhập Nga, ngày 30/9/2022. Ảnh: Kremlin.
Sau chuyện tương tự với Crimea hồi năm 2014, động thái mới này là lần thứ hai biên giới quốc gia giữa Nga và Ukraina, đồng nghĩa với việc lần thứ hai bản đồ địa lý chính trị và hành chính ở Châu Âu bị thay đổi kể từ năm 2014. Chỉ cần nhìn vào phản ứng của Mỹ, EU và NATO - những đồng minh quan trọng và quyết định nhất của Ukraina trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraina giữa Nga và Ukraina - có thể thấy phe này hận Nga đến mức độ nào. Nguyên do là Nga tạo ra sự đã rồi ở Ukraina, mà việc này có thể làm thay đổi cục diện tình hình chiến sự trên thực địa, cuộc đấu tranh dư luận và pháp lý giữa hai bên đối địch nhau ở Ukraina và liên quan đến vấn đề Ukraina.
Phe này nguôi ngoai phần nào khi thấy Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ kia khi chưa hoàn toàn kiểm soát được toàn bộ vùng lãnh thổ ấy và mới đây nhất lại còn chịu thất bại và thua thiệt nhất định trước những cuộc phản công của Ukraina và phải rút khỏi thị trấn Lyman được coi là có ý nghĩa chiến lược về quân sự cho cả vùng Lugansk.
Điều khiến cho phe kia quan ngại hơn cả là việc gia nhập này làm cho bốn vùng lãnh thổ kia trở thành lãnh thổ của Nga và Nga sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ (mới) bằng mọi tiềm lực hiện có, kể cả vũ khí hạt nhân. Nga sẽ coi những hoạt động quân sự của Ukraina vào bốn vùng lãnh thổ này trước đây là phản công thì giờ là tấn công vào lãnh thổ của Nga, và vũ khí mà Mỹ và đồng minh cung cấp cho Ukraina được sử dụng trong các hoạt động quân sự này là vũ khí của họ tấn công Nga. Khi ấy, Nga sẽ biện luận pháp lý khác trước cho những quyết sách mới đối với Ukraina và phe kia.
Việc Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ này đẩy Nga vào tình thế buộc từ nay phải tiến hành chiến tranh ở Ukraina sao cho ít nhất thì cũng phải bảo vệ được những vùng ấy ở trong phạm vi chủ quyền của mình bằng mọi giá và với mọi cách. Nó cũng còn đẩy Ukraina và phe kia vào tình thế phải tiếp tục đối địch với Nga về mọi phương diện bằng mọi giá và sử dụng mọi cách.
Ukraina sẽ vừa tiếp tục chiến sự để giành lại các vùng lãnh thổ kia và thúc ép đồng minh mạnh mẽ hơn nữa để các đồng minh này buộc Nga phải giao trả lại các vùng lãnh thổ kia cho Ukraina. Mỹ, EU, NATO và đồng minh buộc phải gia tăng mức độ làm găng và đối địch Nga cũng như hậu thuẫn Ukraina về chính trị, tài chính và quân sự để Nga buộc phải chịu thua ở Ukraina, chấm dứt chiến sự ở Ukraina và trả lại Crimea cùng 4 vùng lãnh thổ mới bị Nga sáp nhập cho Ukraina.
Chiến sự ở Ukraina rồi đây có thể và sẽ kết thúc theo cách này hay bằng kết cục khác, nhưng vấn đề liên quan đến những vùng lãnh thổ này mới khó giải quyết nhất bởi Ukraina không thể từ bỏ và Nga từ nay cũng vậy. Cũng từ đó có thể thấy chiều hướng diễn biến tình hình chiến sự trên thực địa trong thời gian tới ở Ukraina sẽ khác trước, đàm phán hoà bình trở nên càng thêm bất khả thi và mức độ đối địch, căng thẳng giữa Nga với tất cả các bên kia sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
Vụ việc mới xảy ra với hai tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2, bất kể thủ phạm là ai, tác động chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa đối với sự leo thang đối địch mới nói trên. Nó báo hiệu khả năng cả nhiều nơi khác nữa ở Châu Âu và cả nhiều lĩnh vực khác nữa sẽ trở thành những điểm nóng mới về chính trị an ninh. Chiến sự ở Ukraina đã kéo theo rủi ro an ninh cho nhiều nơi khác nữa trên châu lục.
Câu hỏi lớn đặt ra bây giờ không phải là Ukraina và các đồng minh phản ứng như thế nào về chuyện Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ ở Ukraina mà là Nga sẽ làm gì sau khi hoàn tất việc sáp nhập và phản ứng như thế nào khi Ukraina tiếp tục phản công ở các vùng lãnh thổ ấy.